Nghị quyết được Chi bộ chủ động xây dựng, sát thực tế và đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân đã tạo được sự đồng thuận cao nên triển khai có hiệu quả. Đó là chuyện huy động sức dân làm Nhà văn hóa và đường bê tông ở xóm Vạn Phú, xã Thành Công (T.X Phổ Yên) - một xóm có trên 96% người dân tộc Sán Dìu, đời sống còn nhiều khó khăn nhưng không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Dự buổi khánh thành Nhà văn hoá xóm Vạn Phú, tôi cảm nhận được niềm vui của bà con khi mong ước về một nơi sinh hoạt cộng đồng khang trang, rộng rãi đã thành hiện thực. Vừa xem các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”, bà Vên Thị Lượng, năm nay 65 tuổi vừa phấn khởi nói: Lâu lắm rồi xóm mới có buổi sinh hoạt vui vẻ và ý nghĩa như thế này. Trước đây, khi hội họp ở Nhà văn hóa cũ, cột kèo như sắp rơi xuống người, ngồi mà cứ lo ngay ngáy.
Ai đến dự cũng phấn khởi bởi trong thành quả ấy có một phần đóng góp của họ. Tối hôm trước, xóm tổ chức giao lưu văn nghệ, múa sạp, hát Soọng cô, cụ già, phụ nữ và các cháu thiếu nhi đều lên sân khấu biểu diễn. Bà Lâm Thị Làm, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm nói: Lúc xóm triển khai làm Nhà văn hóa, ngoài đóng góp tiền theo quy định, bà con còn tích cực tham gia san nền, phụ hồ.
Không chỉ thành công khi huy động nội lực làm Nhà văn hóa mới, năm 2016 người dân ở Vạn Phú còn chủ động đóng góp tiền, nhiều ngày lao động để mở rộng và để bê tông mặt đường. Ông Mạch Xuân Nam, Bí thư Chi bộ Phú Nhội (chỉ đạo xóm Nhội và Vạn Phú) nói: Từ thực tế của 2 xóm, Chi bộ Phú Nhội đã xây dựng nghị quyết về xây dựng cơ sở hạ tầng, xóm Vạn Phú là làm đường bê tông và Nhà văn hóa mới, đến nay đều đã hoàn thành tốt đẹp. Kinh nghiệm của Chi bộ chính là cấp ủy đoàn kết, thống nhất, nhìn vào thực tế, xây dựng nghị quyết kịp thời, hợp lòng dân. Khi có nghị quyết rồi, Ban Công tác Mặt trận và các đoàn thể phải tuyên truyền tích cực để người dân hiểu, tự nguyện đóng góp sức người, sức của. Quá trình xây dựng, xóm luôn tuân thủ phương châm dân chủ, công khai, để người dân tham gia giám sát.
Ông Nam nhớ lại. Đường xóm Vạn Phú nhiều năm nay nhỏ hẹp, mưa lầy, nắng bụi, khiến việc đi lại, phát triển kinh tế của nhân dân khó khăn. Nguyện vọng mở rộng và bê tông đường được bà con nhiều lần ý kiến. Từ năm 2009, bà con đã hiến hàng nghìn m2 đất để mở rộng đường. Song, xã Thành Công không phải là xã điểm xây dựng nông thôn mới nên mỗi năm, số lượng xi măng được phân bổ rất ít so với nhu cầu làm đường của các xóm. Năm 2015, hai xóm Nhội và Vạn Phú mới được cấp xi măng làm trên 600m bê tông. Bởi vậy, tiếp tục mở rộng đường đoạn đường cuối xóm với phương châm tự lực, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà Chi bộ đề ra đã được bà con hưởng ứng. Dù điều kiện kinh tế còn khó khăn song 18 hộ ở cuối xóm Vạn Phú đã nhất trí hiến đất, góp gần 3 triệu đồng/hộ để mở rộng đường từ 2m lên 4,5m và làm cấp phối dài 1,2km dịp đầu tháng 2. Chi bộ cũng chỉ đạo Ban Công tác Mặt trận, các đoàn thể của xóm vào cuộc thực hiện tốt việc vận động. Từng cán bộ, đảng viên đều có trách nhiệm kêu gọi tài trợ không chỉ vận động ở các dòng họ, hộ kinh doanh trang trại, gia trại, mà cả con em quê hương đã thành đạt và người dân xóm khác. Dù đoạn đường chỉ phục vụ 18 hộ cuối xóm nhưng 100% hộ trong của xóm đã ủng hộ hơn 13 triệu đồng và tham gia nhiều ngày công lao động.
Ông Lê Văn Lợi, Trưởng xóm Vạn Phú cho biết: Đúng một tháng sau khi nghị quyết của Chi bộ được triển khai, công trình nhà văn hóa xóm được khởi công, với dự toán 350 triệu đồng xây dựng. Đến thời điểm này, xóm đã vận động được 25 triệu đồng. Trong đó có một số đảng viên gương mẫu ngoài mức góp chung còn ủng hộ thêm cho xóm từ 200 nghìn đến 2 triệu đồng như các đồng chí: Mạch Xuân Nam, Diệp Quý Hải, Dương Xuân Lai, Dương Lê Hà, Lâm Văn Thanh...
Quá trình xây dựng không chỉ được nhân dân đóng góp nhanh, kể cả hộ nghèo, cận nghèo mà còn tham gia nhiều ngày công san nền, phụ hồ. Xóm cũng cử Ban giám sát xây dựng do ông Dương Vũ Dương làm Trưởng ban, đảm bảo công trình thi công đạt chất lượng tốt. Sau hơn 4 tháng, Nhà văn hóa Vạn Phú đã hoàn thành, diện tích gần 230m2, đúng như dự toán. Kế hoạch năm 2017 của xóm là tiếp tục xã hội hóa để hoàn thiện đổ bê tông sân thể thao, xây hàng rào bao quanh và sắm sửa nội thất của Nhà văn hóa. Hiện, đã có nhiều hộ dân ủng hộ cho xóm bàn ghế và quạt trần.
Ông Dương Văn Tuyên, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thành Công đánh giá: Việc bà con dân tộc Sán Dìu xóm Vạn Phú, tuy đời sống còn nhiều khó khăn (xóm hiện còn 53 hộ nghèo và cận nghèo) nhưng đã tự nguyện đóng góp tiền của, ngày công lao động cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước để làm đường bê tông, xây Nhà văn hóa theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới rất đáng được biểu dương và là kinh nghiệm để các địa phương khác học tập.