Nỗi niềm Ba Họ

21:21, 23/01/2017

Khi chúng tôi liên hệ, bày tỏ mong muốn lên Ba Họ, anh Lâm Văn Tùng, Chủ tịch UBND xã Yên Ninh (Phú Lương) nói vui: “Nếu ngày mai mưa thì đường khó đi, trơn lắm, không khéo phải bỏ xe máy giữa đường ấy chứ. Nhưng có như thế thì phóng viên mới thấu được cái khổ của người dân nơi đây”. Chúng tôi quả quyết, dù thời tiết có thế nào chúng tôi cũng sẽ đến, thậm chí mong được trải nghiệm với thực tế gian nan nhất.

Như không thể yên tâm khi để chúng tôi tự lên núi, anh Tùng cùng một cán bộ Giao thông, thủy lợi xã trực tiếp dẫn lối. Vừa từ Quốc lộ 3 rẽ vào Đồng Danh, chúng tôi đã gặp ngay khe suối chắn ngang đường, không cầu mà cũng chẳng có lối đi nào khác ngoài lòng suối… 

 

Dù hôm ấy trời không mưa nhưng mặt đường nhiều đoạn vẫn trơn như đổ mỡ, phanh xe như chẳng có tác dụng khi bánh cứ trôi tuột dù đã đạp phanh kẹt cứng. Hết chỗ trơn lại đến những chỗ gập ghềnh đá hoặc lầy thụt, xe máy chỉ có thể đi số 1, lên đến số 2 rồi cứ thế lặp lại cùng tiếng gằn của động cơ. Có đoạn, người ngồi sau phải xuống chạy bộ địa hình quá khó, xe không thể gánh nổi. Chúng tôi gặp ông Hoàng Thông Minh bơi chân khó nhọc điều khiển xe máy vượt qua mấy hộc đá. Phía sau là vợ ông, bà Đặng Thị Liên, vừa đi bộ vừa ôm bụng, mặt nhăn nhó. Hỏi ra mới biết, đêm qua bà Liên phải cơn đau bụng nhưng vì trời tối, đường khó nên phải chờ đến sáng mới xuống núi đưa xuống trạm y tế khám được. Ấy thế mà nhiều đoạn bà vẫn phải tự mình đi bộ vì đường xóc quá, ngồi trên xe càng đau hơn, chưa kể chẳng may trượt ngã chẳng hóa ốm càng thêm đau…

 

Đoạn đường từ xóm Đồng Danh lên Ba Họ cách Quốc lộ 3 chỉ chừng có 4 cây số nhưng chúng tôi phải mất hơn 30 phút mới “cán đích”. Tới nơi, Chủ tịch xã Yên Ninh thở phào: May mấy hôm nay trời hanh mới đi được nhanh thế đấy, nếu trời mưa thì có khi phải để xe bìa rừng mà cuốc bộ.

 

Câu chuyện về cái khổ về của người dân Đồng Danh, Ba Họ đã đeo bám họ rất nhiều năm nay, chưa có hồi kết. Cách đây vài ngày, ông Hoàng Xuân Hiền (xóm Ba Họ) chở bao ngô từ bản xuống chợ bán gặp đúng ngày trời mưa, đến đoạn khó, ông không thể làm chủ được tay lái. Thế là cả xe cả người đổ nhào, bao ngô bị bục, rơi ra ngoài quá nửa, cũng may người chỉ bị xây xát nhẹ. Còn chuyện ông Hoàng Thanh Chức, xóm Đồng Danh đi thông báo cho dân họp xóm bị ngã xe máy gãy 2 xương sườn luôn ám ảnh bà con như một lời cảnh báo mỗi khi đi trên đường xóm lúc đường trơn.

 

Anh Hoàng Thông Báo, Bí thư Chi bộ Ba Họ thở dài: Người lớn khổ đã thành quen nhưng thiệt nhất vẫn là lũ trẻ. Đường khó đi nên chuyện đi học muộn đã thành lệ. Vào mùa mưa, nhiều đứa phải nghỉ học vì đi không nổi. Nhiều bậc phụ huynh phải cho con thuê trọ ở gần trường.

 

Còn anh Hoàng Xuân Thăng, Trưởng xóm Ba Họ cho biết: Bà con trong xóm chủ yếu sống bám vào rừng (trồng rừng sản xuất), trồng ngô, chăn nuôi nhưng lúc nào cũng bị tư thương ép giá vì đường khó và không tự chở đi bán được. Không những vậy, năm nào bà con cũng phải góp công, góp của từ một đến vài lần để sửa đường vì hay bị sạt lở. Gần đây nhất là tháng 11-2016 vừa qua, mỗi nhà phải góp 400 nghìn đồng thuê máy xúc khắc phục đoạn đường bị mưa cắt đứt. Cuộc sống của bà còn đã nghèo còn khổ hơn. Hiện nay, cả xóm còn có tới trên 55% hộ nghèo và cận nghèo. Nếu bà con có được con đường thuận lợi thì hướng thoát nghèo sẽ mở.

 

Anh Lâm Văn Tùng thông tin thêm: Xóm Đồng Danh và Ba Họ trên 270 hộ, trên 1.000 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Dao, Cao Lan và Sán Chí. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của 2 xóm gần 67%. Kỳ họp hội đồng nhân dân hay cuộc tiếp xúc cử tri nào người dân 2 xóm Đồng Danh, Ba Họ cùng đều kiến nghị, khát khao được Nhà nước đầu tư làm đường qua 2 xóm. Xa cũng rất hiểu nỗi khổ của bà con nên cũng nhiều lần đề nghị lên UBND huyện và các cơ quan có thẩm quyền quan tâm, giúp đỡ, tìm mọi nguồn lực để đầu tư cho nhân dân 2 xóm tuyến đường bê tông. Mong sao khẩn cầu của bà con sớm được hồi đáp để cuộc sống của họ vơi bớt khó khăn, từng bước vươn lên.