Trong không khí rộn ràng của những ngày giáp Tết, khác với các bạn trẻ thích xả hơi sau kỳ thi hoặc chọn cách “đắm mình” trong các cửa hàng thời trang, vẫn có rất nhiều sinh viên tranh thủ thời điểm vàng này đi làm kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.
Thực tế cho thấy, những sinh viên dành thời gian đi làm thêm sẽ phát triển về kỹ năng sống và học vấn toàn diện hơn những sinh viên chỉ chăm chú trên giảng đường. Là người có kinh nghiệm tìm việc làm thêm, Lê Trung Kiên, sinh viên năm cuối ngành Luật (Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên), làm giám sát thi công ở Công ty Cổ phần Kiến trúc nội thất Bắc – Nam cho rằng: Chỉ cần chăm chỉ, chịu khó thì công việc cũng không đến mức nặng nhọc quá sức. Tuy không đúng ngành nghề mình được học, nhưng em thích ứng rất nhanh với công việc này. Điều quan trọng là từ khi đi làm, em đã bỏ được tính nhút nhát của mình và am hiểu cuộc sống hơn.
Làm thêm dịp Tết còn là cơ hội để sinh viên thực tế hóa kiến thức sách vở. Làm thêm đúng chuyên ngành, có khiếu giao tiếp nói trước đám đông, Thanh Thịnh, sinh viên Báo chí năm cuối, Trường Đại học Khoa học đã phát huy lợi thế của mình, vận dụng những kiến thức giảng đường vào thực tế. Chụp ảnh đẹp, lại sẵn có máy ảnh trong tay nên Thịnh nhận được nhiều lời mời từ bạn bè. Không chỉ chụp ảnh, Thịnh còn làm thêm nhiều việc trong dịp Tết như thổi tiêu ở các trường có chương trình văn hóa nghệ thuật, đôi lúc được mời đi làm MC tại các chương trình dành cho sinh viên… Thịnh bày tỏ: “Hoa đào nở trong không khí Tết cũng là dịp nhu cầu chụp ảnh kỷ niệm của các bạn trẻ tăng cao. Vậy nên, chụp ảnh là công việc “đắt khách” nhất của em. Công việc này mang đến một khoản thu nhập kha khá, dao động từ 400.000 – 500.000 đồng/buổi. Thông thường, mỗi buổi chụp chỉ kéo dài 3 tiếng.”. Thịnh tỏ ra hồ hởi hơn vì làm thêm nhưng khẳng định được chính mình bằng sản phẩm thuộc chuyên ngành Báo chí mà mình theo học.
Trong những ngày giáp Tết, nhiều bạn sinh viên vẫn tranh thủ làm thêm nhiều công việc: gia sư, đăng quảng cáo trên báo chí, phát tờ rơi, bán hàng… để vừa có thêm khoản chi tiêu phục vụ nhu cầu của bản thân, vừa học hỏi kinh nghiệm và mở rộng thêm các mối quan hệ.
Được nghỉ Tết Nguyên đán ba tuần, về nhà sớm cũng không giúp được gì cho gia đình nên nhiều sinh viên đã ở lại làm thêm để kiếm thêm tiền tiêu Tết. Bạn Nguyễn Văn Linh, Sinh viên ngành Du Lịch năm thứ nhất (Trường Đại học Khoa học) vui vẻ: “Được nghỉ Tết từ ngày 26 Âm lịch, em cũng tranh thủ đi làm thêm tại một số nhà hàng, đến 29, 30 Tết, xong việc thì em mới bắt xe về Quảng Ninh. Dù số tiền kiếm được của Linh không phải là nhiều, nhưng em vẫn dành dụm được một khoản tiền mua đồ cho bố mẹ.
Bạn Đào Văn Điện, sinh viên Khoa Báo chí năm thứ hai (Trường Đại học Khoa học) nhà ở Phúc Lương - Đại Từ cho hay: “Mình xin được việc vận chuyển hàng ở chợ đầu mối Thái Nguyên rồi vận chuyển quanh thành phố Thái Nguyên với mức thu nhập trung bình mỗi tối từ 400-500.000 đồng/buổi. Giáp Tết, hàng nhiều nên đêm nào làm cố cũng được gần 1 triệu đồng. Số tiền em kiếm được không nhiều nhưng cũng đỡ được phần nào gánh nặng từ gia đình. Em giúp bố mẹ mua hoa quả, đồ uống ngày Tết, mua quà biếu ông bà nội và mấy các em ở quê.
Có thể nói, kiến thức trên giảng đường đại học hiện nay ít nhiều vẫn còn nặng về kiến thức sách vở, ít thực hành thì đi làm thêm có lẽ là cách tốt nhất để mỗi sinh viên tự trang bị vốn sống cho mình và ít phụ thuộc gia đình hơn. Đó cũng là một trong những lý do mà hiện nay, rất nhiều sinh viên tìm kiếm cơ hội để tự khẳng định mình.