Từ đất nước Mô-zăm-bích, Mông cổ xa xôi, những bạn sinh viên thuộc chương trình đào tạo quốc tế của Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên háo hức hòa mình vào không khí đón Tết cổ truyền của người Việt Nam tại Thái Nguyên.
Những ngày cuối tháng Chạp, khi các đường phố ngập tràn cờ, hoa, quất, đào, cũng là lúc những sinh viên quốc tế chia nhóm để về tham gia cùng với các gia đình giáo viên, tình nguyện viên chung vui đón xuân mới. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó Trưởng phòng Khoa học - Công nghệ và Hợp tác quốc tế cho biết: “Là năm đầu tiên có trên 40 sinh viên quốc tế ở lại cùng đón Tết cổ truyền tại Trường. Hầu hết là sinh viên châu Phi, Trung Á, nên tất cả đều rất lạ lẫm với phong tục truyền thống văn hóa của người Việt Nam, nhất là hoạt động đón Tết cổ truyền. Khoảng trước Tết 1 tháng, các sinh viên này đã chủ động gặp giáo viên mong muốn được tìm hiểu kỹ về phong tục đón Tết ở Việt Nam. Vì thế, Nhà trường đã lên kế hoạch cho sinh viên nước ngoài chung vui đón Tết, bảo đảm an toàn, đoàn kết, ấm cúng và quan trọng là để sinh viên cảm nhận thêm được nét văn hóa truyền thống Việt Nam từ cái Tết”.
Đúng 15 giờ ngày 25 tháng Chạp (22-1), toàn bộ sinh viên ngoại quốc đón Tết tại Thái Nguyên của Trường Đại học Sư phạm được tham gia trải nghiệm làm bánh chưng tại gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn ở làng nghề bánh chưng Bờ Đậu (xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương). Mặc dù còn vụng về trong từng động tác và chưa thể giao dịch được nhiều bằng tiếng Việt, nhưng với cô gái tóc vàng Tsatsralt Eeerntsendorj đến từ vùng đất Mông cổ, giáp với biên giới nước Nga tỏ ra rất phấn khích và hào hứng với công việc gói bánh chưng Tết.
Các sinh viên người nước ngoài trải nghiệm gói bánh chưng Tết.
Tsatsralt Eeerntsendorj cho biết: “Chúng tôi cũng có lễ đón năm mới đúng dịp này (theo lịch Trung Quốc). Khoảng thời gian này, mọi gia đình đều mong chờ đoàn tụ và cùng nhau hưởng thành quả sau một năm lao động, báo hiếu với người bề trên và cùng mong ước những điều may mắn vào ngày đầu năm mới. Chúng tôi không có nhiều đất trồng cây, chỉ có núi đồi, thảo nguyên và sa mạc, nên thực phẩm chủ yếu trong dịp năm mới là thịt cừu (giống như các bạn thịt con gà để làm nghi lễ) và làm bánh bao, bành bích quy với bơ… Chúng tôi rất yêu thích nghệ thuật làm bánh chưng ở Bờ Đậu. Còn Sarangerel Bayar Jargal đến từ Mô-zăm-bích thì chia sẻ: “Hấp dẫn và cầu kỳ khi làm bánh chưng chính là cách giáo dục, rèn luyện con người phải kiên trì, khéo léo. Tham gia làm bánh chưng cùng gia đình nông dân ở Thái Nguyên, tôi cảm nhận được không khí làm việc của cả gia đình, mọi người phân công nhau mỗi người một việc và tất cả đều phải làm cho thật tốt, quá trình làm bánh, người già hay kể chuyện, dăn dạy, khuyên bảo người trẻ phải học lễ phép… Hấp dẫn nhất là sau 7-8 tiếng mối được vớt bánh và theo gia chủ thì các thành viên trong gia đình sẽ chọn bánh đẹp, chất lượng nhất để cung kính dâng lên tổ tiên, như để báo cáo, báo công và thể hiện lòng hiếu thảo của những người đang sống với những người đã mất… Cánh làm này, khiến các thành viên trong một gia đình có trách nhiệm nhớ đến nguồn gốc, dòng họ, huyết thống”.
Rời làng bánh chưng Bờ Đậu, các bạn sinh viên theo sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm đến chiêm ngưỡng chợ hoa ngay giữa trung tâm thành phố Thái Nguyên. Trong không khí rạo rực ngập tràn sắc hoa trên các tuyến phố hướng về quảng trường Võ Nguyên Giáp, Ester Tsaias Sambo đến từ Mô-zăm-bích thốt lên bằng tiếng Viết “Mùa hoa của đất trời đang về! ”. Ester Tsaias Sambo giải thích cho câu nói của mình:“Cách đây không lâu, mọi người ai cũng thấy lạnh buốt, cây rụng hết lá, thế mà hôm nay, mùa Xuân đến rồi, các loại hoa, đua nhau nở. Dấu hiệu thời gian chuyển đổi một năm. Khắp nơi đều rực rỡ sắc hoa, mọi người trở nên vui tươi, thanh thản hơn mọi ngày”. Còn Jiao Mpanga Luma cũng đến từ Mô-zăm-bích thì mải mê ngắm hoa đào và bình luận: “Hôm nay mình mới hiểu câu “Hoa đào nở đón mùa Xuân về” trong khẩu ngữ tiếng Việt mà mình đang học. Cây gầy, khô như không thể sống nổi, vậy mà nụ và hoa bung ra khắp cành, thể hiện sức sống mạnh mẽ của loài cây và mùa Xuân làm nó hồi sinh đến khó tả”.
Học và trải nghiệm thực tế là một trong những nội dung đổi mới phương pháp dạy và học của Trường Đại học Sư phạm. Phương pháp dạy và học ngoại ngữ (tiếng Việt) cho người nước ngoài theo các chuyên đề và thông qua trải nghiệm thực tế đã và đang tạo sức hấp dẫn cho người học. Điều quan trọng là Nhà trường đã tạo môi trường học tập đi đôi với thực hành đối với sinh viên nước ngoài để họ học được ngôn ngữ từ cảm nhận văn hóa. Theo kế hoạch, Trường sẽ phân công, chia nhóm để giáo viên và các tình nguyện viên của Trường tiếp tục giúp đỡ, hướng dẫn sinh viên nước ngoài trải nghiệm cái Tết đầu tiên tại Thái Nguyên.