Bệnh ký sinh trùng

08:19, 23/02/2017

Bệnh ký sinh trùng phân bố rộng rãi, đa dạng ở nước ta. Bệnh chủ yếu là giun truyền qua đất (như giun đũa, giun tóc, giun móc…); sán truyền qua thức ăn (như sán lá gan nhỏ, sán lá gan lớn, sán lá phổi, sán lá ruột lớn, sán lá ruột nhỏ, sán dây, ấu trùng sán lợn…); các loại đơn bào gây bệnh (amíp, trùng roi…). Một số bệnh giun sán vẫn có tỷ lệ mắc cao trong cộng đồng như giun tròn, giun đũa chó mèo, sán lá gan, ấu trùng sán lợn, sán lá phổi.

Hiện nay các bệnh ký sinh trùng vẫn là một trong những “căn bệnh bị lãng quên” và chưa được quan tâm đầu tư kinh phí nghiên cứu, phòng chống đúng mức. Chính vì vậy, bệnh ký sinh trùng vẫn còn là gánh nặng đối với sức khỏe cộng đồng.

 

Kết quả khảo sát gần đây cho thấy: Tỷ lệ nhiễm bệnh giun truyền qua đất ở học sinh tiểu học tại một số tỉnh còn rất cao. Cụ thể như: Tại Hà Giang là 86%; Đắk Lắk 25,0%, Phú Thọ 24,8%, Quảng Ninh 21,1%, Trà Vinh 20,4%, Ninh Bình 19,0%, Thanh Hóa 18,3%, Bình Thuận 18,7%.

 

Bệnh sán lá gan nhỏ được phát hiện tại 32 tỉnh trong cả nước. Tỷ lệ nhiễm cao tại Nam Định 34,8%; Hòa Bình 32,7%; Hà Nội 27,7%; tại Ninh Bình 25%; Thanh Hóa từ 17,7%. Bệnh sán lá gan lớn tăng rất cao trong những năm gần đây, số bệnh nhân nhiễm sán lá gan lớn được phát hiện và điều trị hàng năm lên tới hàng ngàn trường hợp.

 

Nguyên nhân của thực trạng trên là do tỷ lệ nhiễm bệnh ký sinh trùng trên người và động vật còn cao, là nguồn lây nhiễm cho cộng đồng. Đồng thời, tập quán ăn uống, sinh hoạt, canh tác cũng như vệ sinh môi trường hiện nay ở nước ta rất thuận lợi cho sự phát triển và lây nhiễm các bệnh ký sinh trùng. Công tác giám sát, phát hiện và điều trị bệnh ký sinh trùng trên người và động vật chưa được thực hiện tốt.

 

Giai đoạn 2011-2015, các hoạt động phòng chống giun sán đã được triển khai trên toàn quốc. Cụ thể như: Tẩy giun cho 6-9 triệu trẻ em ở độ tuổi từ 2 đến 11 tuổi và 2 - 5 triệu phụ nữ ở độ tuổi sinh sản. Ngoài ra, ngành y tế đã tổ chức truyền thông bằng nhiều hình thức góp phần làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và hạn chế tác hại do mắc bệnh giun sán gây ra như thiếu máu, suy dinh dưỡng cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở các vùng nông thôn.

 

Để phòng chống bệnh ký sinh trùng, mọi người cần tập thói quen tẩy giun định kỳ cho cả gia đình, tối thiểu 6 tháng một lần (ít nhất 2 lần trong năm). Người dân cần tăng cường vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ không để ruồi nhặng bậu vào thức ăn; không ăn thức ăn chưa nấu chín hoặc bị ôi thiu; cần rửa kỹ thực phẩm dưới vòi nước sạch; giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, không để trẻ nhỏ bò lê dưới đất…

 

Mỗi gia đình cần có hố xí hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi; không dùng phân tươi chưa ủ kỹ để bón ruộng, cây trồng…