Cần sự đồng thuận của người dân

15:30, 20/02/2017

Theo kế hoạch của tỉnh, chỉ còn khoảng gần 10 ngày nữa, dự án xây dựng Trường THPT Chuyên Thái Nguyên sẽ tổ chức khởi công để đảm bảo hoàn thành  và đưa vào sử dụng năm học 2018-2019. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn 24/74 hộ dân chưa nhận tiền, bàn giao mặt bằng.

Địa điểm Trường THPT Chuyên hiện nay chỉ có diện tích đất là 1,3ha; quy mô 36 lớp học với 1.080 học sinh, rất chật hẹp so với nhu cầu phát triển mới. Trong khi đó, hầu hết các hạng mục công trình đang sử dụng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; xung quanh đều là khu dân cư đã xây dựng kiên cố nên rất khó khăn trong việc mở rộng trường. Bởi thế, Sở Giáo dục và Đào tạo đã xin chủ trương lập Dự án đầu tư xây dựng mới Trường THPT Chuyên tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2010-2020 với mục tiêu xây dựng trường THPT Chuyên phát triển toàn diện, đạt chuẩn quốc gia, có trang thiết bị dạy học đồng bộ, đảm bảo đủ các điều kiện bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho tỉnh và cả nước.

 

Ngày 9-9-2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2316/QĐ-UBND phê duyệt Dự án xây dựng công trình Trường THPT Chuyên Thái Nguyên. Tại Khu dân cư số 5, phường Túc Duyên T.P Thái Nguyên. Công trình có quy mô 42 lớp học gồm các hạng mục chính: Khu lớp học, nhà hiệu bộ (3 nhà 5 tầng), nhà đa năng, bể bơi, nhà ăn, ký túc xá và các công trình phụ trợ. Diện tích sử dụng đất 32.000m2. Tổng mức đầu tư dự án khoảng trên 241 tỷ đồng.

 

Ngay sau khi có quyết định của UBND tỉnh, UBND T.P Thái Nguyên đã điều chỉnh quy hoạch cục bộ quy hoạch chi tiết khu dân cư số 5. Theo đó, khu đất để xây dựng Trường THPT Chuyên Thái Nguyên nằm trong vùng lõi khu dân cư số 5, có tổng diện tích gần 32.000 m2. Trong đó điều chỉnh 15.047 m2 đất ở, 2.593m2 đất công trình công cộng, 883m2 đất cây xanh, 6.834m2 đất giao thông thành đất giáo dục để xây dựng nhà trường và 6.615m2 đất giáo dục giữ nguyên. UBND phường Túc Duyên phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (chủ đầu tư) và các cơ quan chuyên môn tổ chức hội nghị công bố điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu dân cư số 5 để thực hiện Dự án.

 

Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thế Thuận, Chủ tịch UBND phường cho biết: Chúng tôi đã thông báo đến tất cả các hộ dân thuộc diện phải thu hồi đất. Tổ chức vận động nhân dân, đối thoại giải thích để người dân hiểu đồng thuận cao để dự án triển khai đúng tiến độ. Với sự chủ động tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan, nhiều hộ dân đã đồng thuận ủng hộ dự án, nhận tiền, bàn giao mặt bằng. Đến thời điểm này đã hoàn thành di dời 33 ngôi mộ và đã có 50/74 hộ dân và đã nhận tiền đền bù và bàn giao 26.190m2.

 

Tuy nhiên, vẫn còn 24 hộ dân chưa nhận tiền với diện tích cần phải thu hồi là 8.729 m2, với lý do đưa ra mong muốn được bồi thường mức giá cao hơn. Cùng đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Thế Thuận, Chủ tịch UBND phường làm Trưởng đoàn, lãnh đạo Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh, các tổ chức đoàn thể, tổ dân phố đến các hộ dân chưa nhận tiền đền bù chúng tôi nhận thấy tâm lý chung của người dân là sợ bị thiệt thòi về giá đền bù. Theo bà Tống Thị Sim, tổ dân phố số 4 có diện tích phải thu hồi 658,3m2: Tôi thấy các dự án trước những người gương mẫu nhận tiền lại thiệt thòi hơn các hộ nhận sau. Tôi chờ nếu khoảng 20/24 hộ còn lại lên nhận tiền tôi sẽ nhận. Còn bà Bùi Thị Chắt, cũng ở tổ 4 có diện tích thu hồi 280,5m2 thì cho rằng: Với giá đền bù như trên tôi sẽ không nhận… Tại các nơi đoàn đến vận động, lãnh đạo UBND phường đã kiên trì động viên các gia đình bàn giao mặt bằng ủng hộ Dự án vì sự phát triển chung của tỉnh; giải thích những thắc mắc của người dân và khẳng định giá đền bù đất không có gì thay đổi.

 

Một số ít hộ dân chưa nhận tiền đền bù chúng tôi cho rằng do họ chưa hiểu đầy đủ các quy định của chính sách pháp luật về đất đai nên thường muốn được bồi thường mức giá quá cao hoặc đánh đồng các loại đất, hạng đất khác nhau. Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Lưu Hải Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh cho biết thêm: Đây là dự án trọng điểm của tỉnh. Với nhiệm vụ được giao, Trung tâm đã phối hợp với chính quyền địa phương, chủ đầu tư triển khai đầy đủ các bước theo đúng quy định và các chính sách hiện hành. Để các hộ dân yên tâm khi nhận tiền đền bù, UBND phường Túc Duyên, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh, Sở Giáo dục & Đào tạo đã có biên bản với các hộ đã nhận tiền trước như sau: Tất cả các hộ gia đình, cá nhân có cùng một loại đất như nhau thì giá bồi thường giống nhau. Nếu sau này các hộ gia đình kê khai, nhận tiền sau mà được Nhà nước phê duyệt giá bồi thường cao hơn các hộ gia đình nhận tiền trước thì để đảm bảo quyền lợi công bằng của toàn bộ các hộ gia đình, UBND phường, chủ đầu tư và Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh sẽ có trách nhiệm lập phương án bổ sung cho các gia đình nhận tiền trước để toàn bộ các hộ gia đình có loại đất như nhau sẽ được hưởng bồi thường giống nhau. Các hộ dân nhận tiền chúng tôi đều có cam kết đầy đủ.

 

Dự án xây dựng Trường THPT Chuyên Thái Nguyên có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển sự nghiệp giáo dục của tỉnh vì thế rất cần sự đồng thuận cao của các hộ dân để triển khai đúng tiến độ đã đề ra. Tuy nhiên, diện tích đất thu hồi để thực hiện dự án 100% là đất nông nghiệp, đồng nghĩa với việc người dân phải thay đổi đất canh tác, nghề nghiệp, do đó còn có nhiều trăn trở. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành liên quan cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu về chính sách, đồng thuận ủng hộ dự án. Được biết, những ngày này lãnh đạo thành phố đang tập trung chỉ đạo quyết liệt các phòng, ban chức năng, phường Túc Duyên tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Kiên trì đối thoại với những hộ dân còn chưa đồng thuận trên cơ sở đảm bảo đúng luật và các quyền lợi thiết thực của người dân. Tuy nhiên, nếu đối thoại không thành bắt buộc thành phố sẽ phải thực hiện các thủ tục cần thiết để đảm bảo tiến độ thi công dự án.