Xuất khẩu lao động không chỉ là chống thất nghiệp!

08:00, 09/02/2017

Còn 8 năm nữa Việt Nam kết thúc thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” để chuyển sang giai đoạn dân số già, nhưng những năm qua tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm có xu hương tăng. Để giảm thất nghiệp cần nhiều giải pháp, nhưng xuất khẩu lao động lợi cả ngắn hạn lẫn dài hạn.

Năm 2016, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,3%, trong đó khu vực nông thôn là 1,86%, khu vực thành thị là 3,18%. So với năm 2015, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm 1%, nhưng nếu nhìn nhận ở thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” thì tỷ lệ thất nghiệp 2,3% là con số lớn, nhất là khi còn 8 năm nữa Việt Nam chuyển sang giai đoạn dân số già.

 

Không chỉ lao động phổ thông mà lao động có bằng cấp cao cũng thất nghiệp và thiếu việc làm ngày càng nhiều. Đơn cử, năm 2016, cả nước có trên 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp.

 

Dù nền kinh tế nước ta đang hồi phục tích cực, nhưng để giảm thêm từ 1,5- 2% lao động trong độ tuổi thất nghiệp quả là thách thức lớn, nếu chỉ trông vào thị trường lao động trong nước. Thực tế cho thấy, nếu không xuất khẩu lao động, tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta còn nhiều hơn, nên trong tương lai gần vẫn phải xuất khẩu lao động.

 

Dù năm 2016, Việt Nam xuất khẩu trên 126 nghìn lao động, nhưng đa số là lao động phổ thông, làm việc ở một số nước châu Á. Để đạt được mục tiêu xuất khẩu 105 nghìn lao động vào năm 2017, cơ quan quản lý lao động ngoài nước, doanh nghiệp xuất khẩu lao động... phải thực sự là “bà đỡ” với những người thất nghiệp và thiếu việc làm có nhu cầu “xuất ngoại”.

 

Ngoài việc duy trì xuất khẩu lao động phổ thông, cần đẩy mạnh xuất khẩu lao động có trình độ, tay nghề cao sang làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức... Các nước này sẵn sàng trả mức lương khá cao, nhưng quan trọng là khâu lựa chọn nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng được sự đòi hỏi khắt khe, chuyên nghiệp của doanh nghiệp sử dụng lao động. Xuất khẩu lao động có trình độ, tay nghề cao, chính là sự “cứu cánh” cho số lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp hiện tại, đồng thời “mở” ra hy vọng cho sinh viên hàng trăm trường trường đại học.

 

Đặc tính quan trọng của lao động nước ta là chịu khó, nhanh nhẹn, nhưng trở ngại lớn nhất là ngoại ngữ và kỷ luật lao động. Nếu giải quyết được hai trở ngại này, mục tiêu xuất khẩu trên 100 nghìn lao động mỗi năm nằm trong tầm tay.

 

Xuất khẩu lao động không chỉ đơn giản là giảm thất nghiệp, tăng thu nhập, mà còn góp phần đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên nghiệp. Nói một cách xa hơn, nếu chỉ “bơi ao nhà” chúng ta sẽ khó tự tin “vươn ra biển lớn”!