Các bể thu gom rác ở nông thôn được xây dựng với mục đích tập kết rác thải sinh hoạt trước khi vận chuyển đi xử lý, từ đó góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên do những bất cập trong quá trình vận hành nên chính các địa điểm này lại đang gây ô nhiễm, ảnh hưởng không nhỏ đến người dân xung quanh. Thực tế ở một số địa phương của T.X Phổ Yên cho thấy điều này.
Điểm thu gom rác thải của xóm Hương Đình 1, xã Tân Hương đặt ngay sát trục đường liên xã và tuyến kênh giữa của hồ Núi Cốc, với kích thước hơn 20m2. Thế nhưng, bể này luôn trong tình trạng quá tải, rác tràn cả ra phía ngoài bốc mùi hôi thối và rất mất mỹ quan. Ông Nguyễn Văn Tùng, người dân xóm Hương Đình 1 cho biết: Dịp Tết Nguyên đán, lượng rác tập trung nhiều khiến bể không đủ chỗ chứa. Rác tràn ra đường, thậm chí trôi cả xuống kênh mương. Nhiều người thiếu ý thức còn vứt cả xác động vật vào đó khiến bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Chúng tôi đã phải tự tay gom lại để chôn và đốt một số rác dễ cháy nhưng vẫn không xuể.
Ông Nguyễn Văn Đào, Trưởng xóm Hương Đình 1 đã bỏ buổi sáng dẫn chúng tôi đi thực tế một số bể thu gom rác thải của xã Tân Hương. Có một điểm chung dễ nhận thấy là các địa điểm này đều nhếch nhác và gây ô nhiễm. Điểm thu gom tại xóm Tân Long rác để ngay rìa đường liên xã, tràn cả ra ngoài; tại xóm Đông bể đã hỏng cửa chắn, thân bể bị nứt khiến nước thải chảy trực tiếp xuống mương thủy lợi… Ông Đào cho rằng: Có hai nguyên nhân chính khiến bể thu gom rác chưa thực sự phát huy hiệu quả. Đó là người dân thiếu ý thức vứt rác không đúng vị trí trong bể, thậm chí vứt cả xác động vật vào đó, và đơn vị chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển rác đi xử lý chậm và không đều khiến các bể thường xuyên bị quá tải.
Ông Bùi Xuân Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hương cũng thừa nhận: Hiện tại, HTX tổng hợp Tân Hương (đơn vị hợp đồng với bà con các xóm để vận chuyển rác) còn hạn chế về kinh phí và nguồn nhân lực nên tổ chức thu gom không đều. Do phải thuê tạm bằng xe tải nên quá trình vận chuyển rác đi xư lý cũng gây mất vệ sinh.
Đối với xã Đông Cao (địa phương vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới), rác thải sinh hoạt cũng là vấn đề nổi cộm được người dân quan tâm. Ông Trần Văn Toan, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Đông Cao đã xây dựng được các bể thu gom rác thải tại 20/24 xóm, bình quân mỗi bể có diện tích không dưới 15m2; tại các cánh đồng cũng đặt các bể để đựng bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh là chính một số điểm thu gom rác này lại gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến người dân sống ở gần đó. Để khắc phục điều, xã đã có văn bản đề nghị Hợp tác xã môi trường Trung Thành tăng cường vận chuyển rác để hạn chế quá tải tại các bể. Đồng thời, giao cho trưởng xóm và công an viên chịu trách nhiệm tuyên truyền, giám sát để xử lý nghiêm trường hợp cố ý vứt rác không đúng nơi quy định.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND T.X Phổ Yên đã chỉ ra một số bất hợp lý của bể thu gom rác thải. Đó là, nhiều địa phương khảo sát và đặt bể ở vị trí không phù hợp, quá gần khu gần cư, gần kênh mương hoặc trục đường giao thông chính gây mất mỹ quan; mới dừng lại ở việc thực hiện tiêu chí hạ tầng là xây dựng được bể mà chưa quan tâm đúng mức thu gom và xử lý rác thải; ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường còn hạn chế… Để từng bước khắc phục tình trạng này, T.X Phổ Yên đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường chủ trì, phối hợp với phòng, ban chuyên môn và các địa phương rà soát những điểm thu gom rác thải nông thôn gây ô nhiễm, thiết kế không phù hợp để xử lý ngay; chỉ đạo các hợp tác xã môi trường tăng tần suất vận chuyển rác đến nơi xử lý tập trung ở Đồng Hầm, xã Minh Đức. Đồng thời xem xét phương án tăng kinh phí để hỗ trợ các địa phương thực hiện tiêu chí về môi trường.
Để phát huy hiệu quả các điểm thu gom rác nói riêng, từ đó xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt ở nông thôn nói chung cần bắt đầu từ ý thức của người dân, cùng sự quan tâm đúng mức và phù hợp của cấp chính quyền, chứ không phải cách làm hình thức để đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.