Các bệnh liên quan đến thừa dinh dưỡng hay dinh dưỡng không hợp lý ngày càng gia tăng

07:56, 10/03/2017

Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), vấn đề thừa dinh dưỡng hay dinh dưỡng không hợp lý (thừa cân-béo phì, rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, tăng đường máu) và các bệnh mạn tính không lây liên quan tới dinh dưỡng (tim mạch, đái tháo đường, ung thư…) đang ngày càng gia tăng nhanh chóng và chiếm tới 73% gánh nặng bệnh tật và tử vong.

Bên cạnh đó, thiếu dinh dưỡng dẫn tới suy dinh dưỡng thấp còi còn phổ biến. Cụ thể: Thiếu dinh dưỡng ở bà mẹ còn ở mức cao (năm 2015 có 13,4% phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ bị thiếu năng lượng trường diễn ); đồng thời có tới 25,5% phụ nữ không có thai và 32,8% phụ nữ có thai bị thiếu máu. Suy dinh dưỡng bào thai cao với tỷ lệ 7% trẻ sơ sinh nhẹ cân. Thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ còn kém: chỉ có 57,8% trẻ sơ sinh được bú sớm trong vòng 1 giờ đầu; 10,8% trẻ dưới 6 tháng tuổi được bú mẹ là chủ yếu; 15,2% trẻ được bú mẹ đến 2 tuổi; trẻ được ăn bổ sung chưa hợp lý. Ngoài ra, thiếu vi chất ở trẻ nhỏ còn là vấn đề quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng: Có đến 27,8% trẻ nhỏ thiếu máu (31,2% ở miền núi) và 69,4% thiếu kẽm (80,8% ở miền núi)…

 

Trước thực trạng trên, Viện Dinh dưỡng quốc gia đã cập nhật và ban hành các văn bản, tài liệu chuyên khảo (10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý) và tài liệu truyền thông để hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng hợp lý cho các đối tượng khác nhau (tháp dinh dưỡng hợp lý, giá trị dinh dưỡng 500 món ăn thông dụng, cẩm nang dinh dưỡng cho gia đình....) và phổ biến cho tuyến tỉnh. Viện cũng đã tiến hành khảo sát, xây dựng nguyên tắc khẩu phần và thực đơn chi tiết cho các nhóm đối tượng đặc thù như lực lượng thủy thủ tàu ngầm tại Cam Ranh (áp dụng thử nghiệm thành công) và Văn phòng Chính phủ. Đề tài nghiên cứu cấp nhà nước về chế độ ăn ca cho công nhân các ngành dệt may và da giầy trên toàn quốc đang triển khai và sẽ đề xuất hướng dẫn tiêu chí dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm bữa ăn ca cho công nhân da giầy và dệt may với Bộ Lao động thương binh xã hội. Các nghiên cứu can thiệp cải thiện chế độ ăn dự phòng và kiểm soát các vấn đề thừa cân-béo phì, giảm ăn muối phòng chống tăng huyết áp và các bệnh mạn tính liên quan tới dinh dưỡng cũng đang được Viện triển khai và đưa vào ứng dụng trong cộng đồng. Ngoài ra, hoạt động thể lực cũng đã được nghiên cứu để kiểm soát cân nặng, vòng eo (béo phì trung tâm) và đưa ra được một số hướng dẫn thể lực cho các đối tượng này.

 

Trong thời gian tới, Viện Dinh dưỡng quốc gia tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, thử nghiệm và triển khai các can thiệp cải thiện chế độ ăn nhằm đảm bảo dinh dưỡng hợp lý tới cộng đồng theo các nhóm đối tượng khác nhau (tình trạng sinh lý, giai đoạn vòng đời, ngành nghề, tình trạng các yếu tố nguy cơ...); khảo sát và tư vấn thực đơn chế độ ăn, tổ chức bữa ăn cho các bếp ăn tập thể cho các nhóm đối tượng đặc thù. Đồng thời, Viện sẽ xây dựng các tài liệu chuyên môn kỹ thuật, tài liệu truyền thông và tham mưu, đề xuất ban hành các văn bản, hướng dẫn làm cơ sở chỉ đạo triển khai hoạt động dinh dưỡng đảm bảo dinh dưỡng hợp lý và hướng dẫn thể lực cho các lứa tuổi và người có nguy cơ để nâng cao sức khỏe và phòng chống bệnh tật tại cộng đồng cả trong và ngoài ngành y tế; tiếp tục phổ biến các tài liệu truyền thông tới tuyến huyện và xã; phát triển kỹ thuật, chuẩn bị và triển khai Tổng điều tra dinh dưỡng 2019 làm cơ sở xây dựng chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn tiếp theo…