Việc làm cụ thể nhằm tiết kiệm ngân sách.
Sau Bộ Tài chính, 8 đơn vị đầu tiên của Hà Nội vừa chính thức thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác đối với các chức danh lãnh đạo. Thông tin này đang thu hút sự chú ý của dư luận. Về vấn đề này, phóng viên báo chí đã phỏng vấn ông Đỗ Mạnh Hùng – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
PV: Chủ trương khoán xe công không phải là mới, nhưng việc 8 đơn vị của thành phố Hà Nội thực hiện chủ trương này từ đầu tháng 3 vẫn gây được sự chú ý của dư luận. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Đỗ Mạnh Hùng: Đây là việc làm cụ thể nhằm tiết kiệm ngân sách. Hà Nội cũng có cách làm rất thận trọng, thí điểm tại 8 địa phương, đơn vị, sau đó mới có đánh giá, rút kinh nghiệm rồi mới áp dụng chung.
Tôi mong rằng, sau đợt thí điểm này, từ kinh nghiệm của Hà Nội, Hà Nội có thể mở rộng ra các ngành, đơn vị khác và các địa phương khác trong cả nước sẽ có những kinh nghiệm tốt để thực hiện chủ trương khoán xe công.
PV: Dư luận ủng hộ 8 đơn vị của Hà Nội thực hiện chủ trương khoán xe công. Song nhiều người cũng đang băn khoăn việc điều chuyển hoặc đấu giá hơn 40 chiếc xe biển xanh, tạm gọi là dôi dư kia thì sẽ được thực hiện ra sao cũng như những người lái xe công vụ sẽ được giải quyết thế nào cho hợp lý, thưa ông?
Ông Đỗ Mạnh Hùng: Qua phương tiện thông tin đại chúng, tôi cũng thấy Hà Nội có những phương án cho từng vấn đề như vậy. Đối với việc sắp xếp lao động là lái xe mà các xe đó hiện nay không sử dụng nữa, Hà Nội có nhiều hướng: thứ nhất, chuyển các lái xe đó về các đơn vị sự nghiệp vẫn còn nhu cầu sử dụng xe công; thứ hai, chuyển qua các việc khác, trong đó có bảo vệ và các công tác phù hợp.
Những ai đến tuổi nghỉ hưu thì có thể được sắp xếp phương án hợp tình hợp lý. Như vậy, về cơ bản có thể sắp xếp lại vấn đề lao động.
Đối với vấn đề tài sản, những xe không sử dụng từ 1/3 sẽ được niêm phong, thu hồi và có các đánh giá, xử lý. Theo tôi, việc xử lý phải đúng theo quy định của Nhà nước từ việc đánh giá, thanh lý hoặc chuyển bán tài sản; đồng thời phải công khai, minh bạch.
PV: Liên quan đến khoản tiền khoán xe công, các đơn vị thực hiện thí điểm tại Hà Nội đang được lựa chọn 1 trong 2 phương thức: một là, khoán với mức đối đa 9,3 triệu đồng/người/tháng; hai là, khoán theo khoảng cách thực tế đi công tác hàng tháng của từng chức danh, với đơn giá khoán là 13.000 đồng/km. Theo ông, mức khoán này đã hợp lý chưa?
Ông Đỗ Mạnh Hùng: Có lẽ phương án sát với thực tế hơn đó là tính trên số km thực tế nhân với một đơn giá nhất định để có mức thanh toán đối với người được nhận thì phù hợp hơn.
Công khai các chức danh được khoán xe công
PV: Việc khoán kinh phí xe công cần công khai, minh bạch ra sao để người dân có điều kiện giám sát, tránh tình trạng tiêu cực cán bộ nhận khoán nhưng vẫn dùng xe công đi lại, thưa ông?
Ông Đỗ Mạnh Hùng: Tôi cho rằng cần phải công khai tất cả nội dung, nhất là những chức danh được sử dụng xe công nhưng hiện nay được chuyển sang phương án khoán. Bên cạnh đó, cũng cần công khai việc thu hồi, xử lý theo hình thức thanh lý, chuyển bán những xe công được chuyển sang phương án khoán. Và cũng cần công khai hoạt động của các chức danh được chuyển sang chế độ khoán và không có tiêu chuẩn được sử dụng xe biển xanh nữa để người dân biết việc đi lại, công tác hoạt động của các cán bộ đó như thế nào.
Một điều quan trọng nữa là cũng cần công khai những vấn đề phát sinh trong việc khoán này. Bởi có ý kiến lo ngại rằng sẽ có một vòng luẩn quẩn, thí điểm khoán xe – thu hồi xe – bán xe, sau đó lại thấy rằng không thể khoán xe được lại lập phương án mua xe mới, như thế sẽ tốn kém, gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước.
PV: Nhiều người đang tỏ ra lo ngại việc khoán xe công nếu làm không đến đầu đến đũa thì rất dễ trở thành một vòng luẩn quẩn và dễ thành hội chứng phong trào kiểu cấp xe đạp cho Công an khu vực đi tuần. Theo ông, để chủ trương khoán xe công được thực hiện lâu dài, thực chất và rộng khắp nên tuân thủ những nguyên tắc nào?
Ông Đỗ Mạnh Hùng: Tôi cho rằng, có 3 yếu tố rất quan trọng: phải đánh giá được hiệu quả, không chỉ là hiệu quả tiết giảm ngân sách mà phải là hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của cả tổ chức bộ máy, thực hiện nhiệm vụ của từng chức danh. Nếu vì khoán xe mà ảnh hưởng lớn đến công việc, đến hiệu quả điều hành, tổ chức, thực hiện nhiệm vụ thì cũng phải tính toán lại.
Yếu tố thứ hai đó là công khai, minh bạch tất cả các khâu, nội dung, quy trình, kết quả của việc thực hiện khoán xe công để người dân được biết và có sự giám sát.
Thứ ba, làm sao có những chính sách hợp lý vừa tiết kiệm được ngân sách, vừa động viên được người trong cuộc.
PV: Xin cảm ơn ông./.
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1215/QĐ-UBND, bắt đầu từ ngày 1/3, thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe ô tô khi đi công tác đối với các chức danh lãnh đạo tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của thành phố. Theo quyết định, đối tượng áp dụng thí điểm gồm các chức danh lãnh đạo có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô phục vụ công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của thành phố. Việc khoán xe công thí điểm lần này được thực hiện tại 8 cơ quan, đơn vị gồm: Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các quận, huyện: Hà Đông, Long Biên, Thanh Trì, Gia Lâm. Thủ trưởng 8 cơ quan, đơn vị trên có thể chọn 1 trong 2 phương án khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung như sau: Khoán kinh phí sử dụng ô tô cho từng chức danh, nhưng không vượt quá mức khoán tối đa 9,3 triệu đồng/người/ tháng; khoán kinh phí sử dụng xe cho từng chức danh theo nguyên tắc khoảng cách thực tế đi công tác hằng tháng của từng chức danh nhân đơn giá 13.000 đồng/km. Với cách khoán mới này, Hà Nội ước tính sẽ tiết kiệm được khoảng 50 tỷ đồng/năm nếu thực hiện trên toàn thành phố./. |