Đó là thông điệp toàn cầu của Tổ chức Thú y thế giới và “Khống chế, tiến tới loại trừ bệnh dại” cũng là mục tiêu phấn đấu của nước ta trong giai đoạn 2017-2021. Dù chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu khi bệnh đã bộc phát, nhưng người dân hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh được. Mặc dù vậy nhưng trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh ta vẫn có nạn nhân tử vong vì bệnh dại.
Bệnh dại do virus dại gây nên. Đây là một bệnh truyền nhiễm virus cấp tính của hệ thần kinh trung ương dẫn đến tử vong. Bệnh dại có thể gặp ở tất cả động vật có vú. Bệnh lây truyền qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Tất cả các bệnh nhân lên cơn dại đều bị tử vong. Có khoảng 95-97% người bị bệnh dại chủ yếu là do chó dại cắn và 90% số trường hợp tử vong là do chó hay mèo cắn hoặc cào. Y học đã khẳng định, bệnh dại khi đã phát cơn thì người bệnh sẽ tử vong 100%. Hiện, trên thế giới chưa có một loại thuốc nào chữa được căn bệnh này.
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi - Thú y, năm 2016, bệnh dại chó đã xảy ra tại 7 xã, phường gồm: Khe Mo, Hóa Thượng, thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ), Thần Sa, La Hiên (Võ Nhai), phường Lương Sơn (T.P Sông Công) và xã Động Đạt (Phú Lương). Tổng số chó nghi mắc bệnh dại bị buộc tiêu hủy là 9 con. Toàn tỉnh đã có 5 trường hợp tử vong do bị chó dại cắn. Nguyên nhân tử vong là do bệnh nhân không nhận thức được mức độ nguy hiểm của bệnh dại, không thông báo cho cơ quan y tế và gia đình, chữa bằng thuốc Nam. Có trường hợp lại đi tiêm vắc xin quá muộn, khi đã lên cơn dại mới đi khám, tiêm. Điều đáng lo ngại hơn là từ năm 2014 trở lại đây, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có trên 10.000 người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng, cao gấp đôi so với thời điểm năm 2013. 2 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã có trên 1.600 người bị chó cắn phải đi tiêm phòng vắc xin.
Mặc dù là một loại bệnh rất nguy hiểm nhưng người dân có thể phòng ngừa được bằng vắc xin. Và phương pháp hiệu quả nhất trong phòng chống bệnh dại tại cộng đồng là tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho động vật nuôi. Tuy nhiên, trong những năm qua, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh đạt rất thấp. Để ngăn ngừa bệnh dại, hằng năm, Chi cục Chăn nuôi - Thú y phối hợp với UBND các huyện, thành, thị triển khai kế hoạch tiêm phòng tập trung và bổ sung; chủ động cung ứng kịp thời vắc xin. Thế nhưng kết quả tiêm phòng dại chỉ đạt gần 50% tổng đàn, chưa bảo đảm an toàn cho vật nuôi. Một số huyện như: Võ Nhai, Định Hóa tỷ lệ tiêm phòng còn chưa đạt 30-40%. Nguyên nhân là do nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa thấy được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tiêm phòng dại cho đàn vật nuôi để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, do chính quyền địa phương chưa có biện pháp kiên quyết, chưa có chế tài trong xử lý các trường hợp vi phạm. Anh Bàn Như Hoàng, Tổ trưởng Tổ thú y xã Hoàng Nông (Đại Từ) cho biết: Đàn chó của xã hiện có gần 1.300 con. Năm nào cũng vậy, chúng tôi đều triển khai công tác tiêm phòng đầy đủ nhưng chưa năm nào, tỷ lệ tiêm phòng trên đàn chó đạt được 100%.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh dại, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y chuẩn bị đầy đủ nhu cầu về vắc xin, vật tư phục vụ công tác tiêm phòng; tổ chức, hướng dẫn các địa phương tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo nuôi trong đợt tiêm đại trà và tiêm bổ sung, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt cao. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của ngành Y tế và các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật. Cùng với đó, tăng cường giám sát, phát hiện kịp thời vật nuôi mắc bệnh để có phương án xử lý kịp thời.
Theo anh Hoàng Anh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh): Bệnh dại rất nguy hiểm. Khi đã lên cơn dại là không chữa được. Vì vậy, người dân không nên chủ quan coi thường bệnh dại, không chữa bệnh bằng phương pháp dân gian. Không tự chữa bệnh cho chó, mèo ốm và không mổ thịt, ăn thịt chó, mèo ốm, chết, nghi dại... Ngành Y tế khuyến cáo bà con, ngay sau khi bị chó dại cắn cần rửa vết cắn vài lần với xà phòng và xịt vòi nước vào vết cắn ít nhất 5 phút. Sau đó, sát trùng vết thương bằng cồn hoặc Iode rồi đến Trung tâm Y tế huyện, thành, thị để được tư vấn tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại.
Để công tác phòng bệnh dại hiệu quả, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn, người dân cần chấp hành, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của cơ quan thú y khi nuôi chó, mèo. Chó nuôi không được thả chạy rông, ra đường phải dùng dụng cụ bịt miệng chó và phải tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó đầy đủ. Người bệnh khi bị chó cắn cần đến các cơ sở y tế để được khám, điều trị, tuyệt đối không dùng thuốc nam vừa bị mất tiền mà có khi ảnh hưởng đến tính mạng.