Như đã thông tin, theo kế hoạch của tỉnh cuối tháng 2-2017, Dự án xây dựng Trường THPT Chuyên Thái Nguyên sẽ tổ chức khởi công xây dựng để đảm bảo tiến độ đến năm học 2018-2019 hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, bên cạnh những cá nhân, tập thể chấp hành tốt chế độ, chủ trương chính sách của Nhà nước về công tác giải phóng mặt bằng thì đến thời điểm này vẫn còn 14/74 hộ dân của phường Túc Duyên T.P Thái Nguyên chưa nhận tiền, bàn giao đất cho chủ đầu tư, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công Dự án.
Theo đồng chí Nguyễn Thế Thuận, Chủ tịch UBND phường Túc Duyên: Khi có quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Trường THPT Chuyên Thái Nguyên và quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết khu dân cư số 5 phường Túc Duyên của T.P Thái Nguyên, Đảng ủy, HĐND, UBND phường xác định tham gia, thực hiện giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Phường đã thành lập Ban Chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân. UBND phường phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh, Sở Giáo dục & Đào tạo công khai quy hoạch, tuyên truyền về các chế độ, chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất và tài sản trong phạm vi thu hồi đất của Dự án. Đồng thời tổ chức lực lượng kiểm đếm, hướng dẫn các hộ dân tự kê khai phần diện tích, tài sản trên đất trong phạm vi thu hồi của dự án. Chúng tôi đã thông báo đến tất cả các hộ dân thuộc diện phải thu hồi đất. Tổ chức vận động nhân dân, đối thoại giải thích để người dân hiểu đồng thuận cao để dự án triển khai đúng tiến độ. Mặt khác tổ chức quán triệt đến cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần gương mẫu thực hiện. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, phường đã thành lập 2 đoàn công tác đến các hộ dân chưa nhận tiền để tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết phục nhiều lần…. kết quả đã có thêm 11 hộ nhận tiền, bàn giao mặt bằng, nâng tổng số hộ nhận tiền, bàn giao mặt bằng lên 60/74 hộ. Tính đến hết ngày 1-3, vẫn còn 14 hộ dân chưa thống nhất với giá bồi thường và bàn giao mặt bằng với tổng diện tích phải thu hồi là 5.459,2m2.
Theo báo cáo của Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh, trong số 14 hộ chưa nhận tiền, bàn giao mặt bằng, có 3 hộ đang xem xét việc đổi đất nông nghiệp ở vị trí khác, số còn lại lý do đưa ra không đồng ý với giá đất bồi thường theo quy định của tỉnh. Cụ thể: gia đình bà Nguyễn Thị Sâm ở tổ dân phố số 2 có thửa đất diện tích 546m2 giao cho 2 người con trai là Vũ Văn Hiền và Vũ Văn Quý canh tác từ lâu nhưng chưa sang tên đổi chủ quyền sử dụng đất. Sau nhiều lần vận động, thuyết phục, đối thoại, gia đình bà Sâm đồng ý không nhận tiền đền bù mà đề nghị đổi đất nông nghiệp sang vị trí khác. Tuy nhiên, chiều 28-2, đoàn công tác của UBND phường và Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh, cùng đại diện chi bộ, tổ dân phố đến nhà vận động thì bản thân ông Hiền, con trai bà Sâm (được bà giao ủy quyền) lại thay đổi quyết định không đổi đất và tiếp tục có ý kiến không nhất trí với đơn giá bồi thường. Hay hộ ông Bùi Xuân Trường ở tổ 2, bà Bùi Thị Chắt, ở tổ 4… cũng được lãnh đạo Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh và phường Túc Duyên nhiều lần đến tận nhà đối thoại, thuyết phục, mời nhận tiền, nhưng các hộ này không chấp thuận với lý do giá bồi thường quá thấp.
Tại các nơi đến vận động, lãnh đạo phường, Trung tâm phát triển quỹ đất đã kiên trì động viên các gia đình bàn giao mặt bằng ủng hộ dự án vì sự phát triển chung của tỉnh; giải thích những thắc mắc của người dân và khẳng định về giá đền bù đất không có gì thay đổi. Tuy nhiên, bên cạnh những hộ dân hiểu và đồng thuận với các chủ trương của Đảng, Nhà nước thì vẫn còn một số hộ dân do chưa hiểu đầy đủ các quy định của chính sách pháp luật về đất đai nên đòi hỏi được bồi thường mức giá quá cao hoặc đánh đồng các loại đất, hạng đất khác nhau. Thậm chí có nhiều hộ dân còn cho rằng việc các dự án triển khai trước đó những hộ chây ỳ bàn giao mặt bằng sau lại được hỗ trợ tiền nhiều hơn những hộ gương mẫu nhận tiền sớm. Chính vì thế, một số hộ dân đã nhận tiền lo lắng về việc nhận tiền trước sẽ bị thiệt thòi về giá so với các hộ kê khai và nhận tiền sau.
Đồng chí Lưu Hải Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh cho biết thêm thông tin: Chúng tôi vận dụng đúng chính sách về đền bù giải phóng mặt bằng thực hiện theo đúng tinh thần người dân có lợi nhất, nhưng 14 hộ dân vẫn chưa chấp thuận phương án đền bù và ủng hộ dự án. Để dự án đảm bảo tiến độ thi công, Sở Giáo dục & Đào tạo – chủ đầu tư đã có công văn gửi UBND T.P Thái Nguyên đề nghị có phương án bảo vệ thi công công trình. Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Lê Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên khẳng định: Dự án xây dựng Trường THPT Chuyên Thái Nguyên có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển sự nghiệp giáo dục của tỉnh vì thế thời gian qua, UBND thành phố tập trung chỉ đạo các phòng, ban chức năng tập trung tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, kiên trì đối thoại với người dân trên cơ sở đảm bảo đúng luật, đảm bảo quyền lợi của người dân bị thu hồi đất. Tuy nhiên, nếu đối thoại không thành, bắt buộc thành phố sẽ phải thực hiện các thủ tục cần thiết để bảo vệ thi công công trình.