Xây dựng công trình phụ trợ giúp người khuyết tật (NKT) dễ tiếp cận với công trình công cộng; tập huấn cho thân nhân NKT và lãnh đạo chủ chốt địa phương về NKT… Dự án “Thúc đẩy hòa nhập cộng đồng cho NKT” của Đại sứ quán Phần Lan triển khai tại xã Tân Cương và Thịnh Đức thời gian qua đã giúp NKT của địa phương từng bước nâng cao năng lực, xóa bỏ tự ti và vươn lên trong cuộc sống.
Để tìm hiểu về Dự án, chúng tôi đến UBND xã Tân Cương và được anh Nguyễn Xuân Sinh, Chi hội phó Hội NKT của xã minh chứng bằng chính bản thân mình. Anh Sinh điều khiển chiếc xe lăn thuận tiện ra vào các phòng, ban tại trụ sở mà không cần đến sự trợ giúp của người xung quanh. Anh hồ hởi: “Trước đây, nhiều NKT, nhất là khuyết tật vận động và khiếm thị cảm thấy rất ái ngại đến Ủy ban nhân dân xã để giải quyết các công việc vì trụ sở không có lối đi lên phòng, ban cho NKT. Để gặp và làm việc với cán bộ, NKT luôn phải trông chờ vào sự trợ giúp của người khác hoặc làm việc trực tiếp tại sảnh phía trước gây bất tiện. Không những UBND mà nhiều công trình công cộng khác tại địa phương như Trạm Y tế, Trung tâm học tập cộng đồng và Nhà văn hóa cũng đều chưa có lối đi dành cho NKT gây trở ngại trong việc tiếp cận”. Trước khó khăn đó, năm 2015, Hội NKT T.P Thái Nguyên đã nghiên cứu, xây dựng Dự án “Thúc đẩy sự hòa nhập của NKT” và được Đại sứ quán Phần Lan tài trợ nguồn kinh phí (5,2 tỷ đồng). Ngoài xã Tân Cương, Dự án còn triển khai tới xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên). Trong đó, chú trọng đến việc tiếp cận giao thông tại các công trình công cộng cho NKT.
Chị Hoàng Thị Tâm, ở xóm Soi Vàng, xã Tân Cương bị khuyết tật vận động cho biết: Trước đây vào những ngày nhận tiền trợ cấp, tôi phải ngồi xe lăn ở ngoài cổng Ủy ban để chờ người thân đem giấy ủy quyền đến nhận tiền hộ nên cảm thấy rất bất tiện. Bây giờ thì khác, tôi có thể chủ động tự lập lái xe lăn vào gặp cán bộ để lĩnh tiền hoặc giải đáp những thắc mắc mỗi khi cần. Còn anh Trần Trọng Văn, ở xóm Nam Đồng, xã Tân Cương chia sẻ: Ngoài UBND xã, Dự án còn xây dựng thêm lối đi dành cho NKT tại Trạm y tế, Nhà văn hóa, Trung tâm học tập cộng đồng. Vì thế, NKT có thể dễ dàng đến khám chữa bệnh, tham gia sinh hoạt cùng bà con, giao lưu văn hóa văn nghệ. Qua đó, tạo được sự hòa nhập, bình đẳng và tự tin cho NKT.
Để thúc đẩy thêm sự hòa nhập cho NKT, Dự án còn tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực cho gần 200 NKT nòng cốt và 40 cán bộ chủ chốt của chính quyền địa phương. Cụ thể là NKT, thân nhân của họ và cán bộ địa phương sẽ được tập huấn kỹ năng về chăm sóc, giao tiếp và giải quyết công việc với NKT, phổ biến kiến thức về Luật NKT, quyền và nghĩa vụ của họ. Bà Lê Thị Loan, ở xóm Khánh Hòa, xã Thịnh Đức có con gái khuyết tật chia sẻ: “Ngày trước, gia đình tôi rất tự ti vì có con là NKT. Gia đình thường giấu giếm, không cho con đi ra ngoài vì sợ bị chê cười. Từ khi tham gia khóa tập huấn của Dự án, tôi đã hiểu được NKT cũng như mọi người có quyền được tham gia các hoạt động xã hội, tôn trọng và bình đẳng. Hơn nữa, NKT về thể chất vẫn khỏe mạnh về tinh thần nên cần được động viên, khích lệ để họ nâng cao năng lực tuy duy và mạnh dạn đưa ra các quyết định trong cuộc sống”. Nhờ được tham gia tập huấn thay đổi nhận thức, bà Loan đã không ngần ngại mua cho con gái chiếc xe máy của NKT để có thể đi lại thuận tiện mỗi khi ra ngoài. Bà còn mở một cửa hàng tạp hóa để con kinh doanh hàng ngày.
Đánh giá về Dự án, ông Phạm Gia Lộc, Chủ tịch Hội NKT T.P Thái Nguyên cho biết: Dự án không chỉ giúp NKT đưa tiếng nói, nguyện vọng đến với gia đình, cộng đồng mà còn nâng cao nhận thức cho nhà quản lý, lãnh đạo địa phương về việc quan tâm thiết kế công trình phụ trợ cho NKT khi xây dựng các công trình công cộng. Từ đó, giảm bớt khó khăn cho NKT và giúp họ hòa nhập với cộng đồng. Thời gian tới, Dự án sẽ bước vào khai giai đoạn II. Trong đó nổi bật là các hoạt động thăm khám, chữa bệnh và cấp phát các dụng cụ xe lăn, nạng, dụng cụ hỗ trợ cho NKT; phối hợp với Trung tâm Khoa học và Chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi (Đại học Nông Lâm) tổ chức đào tạo nghề trồng trọt, chăn nuôi, và cấp con giống, thức ăn hỗ trợ NKT có việc làm ổn định, tạo thu nhập bền vững và từng bước vươn lên trong cuộc sống…