Hỗ trợ để phát triển, không thuần túy hỗ trợ nhân đạo

10:54, 25/03/2017

Được biết đến như là nghề bênh vực, trợ giúp con người, nhất là người yếu thế trong cộng đồng, tuy nhiên, nghề công tác xã hội không thuần túy là hoạt động từ thiện, nhân đạo. Hoạt động của nghề công tác xã hội nhằm góp phần giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến đời sống của từng cá nhân, từng nhóm nhỏ và cộng đồng những người yếu thế.

Công tác xã hội (CTXH) là một nghề chuyên hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn như: người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phụ nữ, người già... Nghề CTXH cung cấp dịch vụ cho người dân, nhân viên xã hội là người phục vụ và đối tượng được chăm sóc, phục vụ đều là những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, là những người cần chăm sóc sức khỏe, được bảo vệ, che chở… So với Thế giới, CTXH là một nghề “non trẻ” ở nước ta và được đánh dấu bởi mốc quan trọng, đó là việc Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25-3-2010, phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020. Tại Thái Nguyên, triển khai thực hiện Đề án này, UBND tỉnh đã thành lập Trung tâm Công tác xã hội tỉnh trên cơ sở bổ sung chức năng, nhiệm vụ từ Trung tâm Công tác xã hội trẻ em và giao thêm nhiệm vụ CTXH cho các cơ sở bảo trợ xã hội.

 

Sau 6 năm hoạt động, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh - đơn vị làm CTXH chuyên nghiệp đầu tiên và duy nhất trên địa bàn tỉnh đã tư vấn về y tế, hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề… cho trên 20 nghìn trường hợp; cung cấp dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho 3,5 nghìn trường hợp trong đó hỗ trợ khẩn cấp cho 115 trường hợp nạn nhân bạo hành gia đình, xâm hại tình dục, người có hoàn cảnh đặc biệt. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã tổ chức các buổi truyền thông phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hạn tình dục, bạo hành cho hàng chục nghìn học sinh trên địa bàn tỉnh.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, lực lượng làm CTXH, trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn người bao gồm các cán bộ thuộc cán đơn vị có nhiệm vụ CTXH và gần 3,5 nghìn cộng tác viên bảo vệ chăm sóc trẻ em, trên 2,7 nghìn cộng tác viên dân số… Trong những năm qua, lực lượng này đã thực hiện trợ giúp cho hàng chục nghìn lượt nạn nhân bạo hành, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật… Theo ông Hưng, với mục tiêu hoạt động không đơn thuần là hỗ trợ nhân đạo, từ thiện mà hỗ trợ cộng đồng người yếu thế có điều kiện phát triển nhằm giảm thiểu những rào cản trong xã hội, sự bất công và sự bất bình đẳng, các đơn vị có nhiệm vụ CTXH trên địa bàn đặc biệt là Trung tâm Công tác xã hội tỉnh những năm qua đã làm tốt CTXH góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

 

Ghi nhận kết quả CTXH trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Toàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng Thái Nguyên là một trong những địa phương đi đầu trong việc phát triển nghề CTXH. Theo ông Toàn, CTXH đã và đang đi vào đời sống xã hội và góp phần phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân chưa nhận thức rõ về nghề CTXH, còn coi CTXH là việc làm nhân đạo, từ thiện chứ chưa nhận thức rõ là CTXH nhằm mục đích hỗ trợ phát triển. Cùng với đó, theo thống kê, Thái Nguyên có tới gần 30% người dân thuộc diện yếu thế cần hỗ trợ, giúp đỡ trong những năm tới. Chính vì vậy, để làm tốt CTXH, tỉnh cần tăng cường tuyên truyền về CTXH và nghề CTXH. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần thực hiện điều tra, thống kê, phân loại rồi đánh giá nhu cầu để lựa chọn nội dung CTXH cần thiết làm trước. Ngoài ra, tỉnh cần có cơ chế linh hoạt trong CTXH, xã hội hóa cung cấp dịch vụ CTXH để nghề CTXH không những phát triển mà còn phải phát triển bền vững để phục vụ mục tiêu an sinh xã hội trên địa bàn.