Những năm qua, cùng với đội ngũ y, bác sĩ trên địa bàn huyện Phú Lương, nhiều lương y chữa bệnh bằng thuốc Nam gia truyền đã góp phần không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trong số những ông lang, bà mế đó không thể không kể đến Lương y Vy Chính Quyền, sinh năm 1949, là người dân tộc Sán Chí ở xóm Pháng 2, xã Phú Đô - người có 42 năm gắn bó với nghề chữa bệnh bằng thuốc Nam.
Trong ngôi nhà nhỏ, hàng chục các loại thuốc, rượu thuốc được xếp kín, ông Quyền kể cho chúng tôi nghe về thời điểm mà ông đến với nghề. Ông bảo: Gia đình tôi có 3 đời làm nghề bốc thuốc Nam gia truyền. Năm 15 tuổi, tôi bắt đầu được bố dạy cho cách bốc thuốc. Lúc đầu, những tưởng học đơn giản nhưng khi làm thì thật không dễ dàng, bởi có tới cả trăm loại cây thuốc khác nhau, cách kết hợp khác nhau để chữa trị cho từng loại bệnh. Thời điểm ấy, trong hơn 1 năm, trừ ngày mưa thì ngày nào tôi cũng theo ông cụ lên rừng tìm cây thuốc. Sau đó khoảng 4 năm, trong 1 lần ông cụ bị ốm, tôi mới chính thức được cụ cho tự tay bốc thuốc cho người bệnh.
Kể từ khi bước vào nghề đến nay đã hơn 40 năm, ông Quyền đã chữa cho không biết bao nhiêu người khỏi bênh. Lật giở từng trang sổ lưu tên bệnh nhân, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi thấy bệnh nhân của ông đến từ khắp các tỉnh thành trên cả nước như: Hà Nội, Kiên Giang, Hải Phòng, Đồng Tháp, Thanh Hóa, Cao Bằng… Trung bình mỗi năm, ông đã tiếp nhận gần 300 lượt người bệnh đến bốc thuốc chữa đủ các loại bệnh như: đau dây thần kinh tọa, các bệnh về khớp, sỏi thận, sỏi mật, sơ gan cổ trướng, co thắt đại tràng, tá tràng, tai biến mạch máu não, điều kinh cho phụ nữ… Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, anh Lăng Văn Chức, xã Đoài Khôn, huyện Quảng Uyên (Cao Bằng) cho biết: Tôi có ông chú bị đau dạ dày nhiều năm, đã uống nhiều loại thuốc khác nhau nhưng không thuyên giảm. Được người giới thiệu nên cuối năm 2016 tôi đã tìm đến ông Quyền để bốc thuốc. Tôi lấy 1 thang thuốc về cho chú uống thì thấy đỡ hẳn, từ đó đến nay không thấy đau lại nữa.
Tùy vào từng loại bệnh mà giá thuốc khác nhau, dao động từ 50-300 nghìn đồng/liều. Ông Quyền cho biết thêm: Niềm vui nhất của thầy thuốc là chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân. Với nghề bốc thuốc Nam, nếu chữa bệnh có kết quả thì mới nhiều người tin và tìm đến mình, do đó, không bao giờ tôi nghĩ sẽ kinh doanh nghề này, số tiền bán thuốc chỉ bao gồm chi phí mua cây thuốc và một số rất ít tiền công. Nhiều hoàn cảnh khó khăn trong xóm, xã nếu bị bệnh cần chữa, tôi chỉ lấy riêng tiền thuốc, không lấy công.
Ngoài việc được truyền đạt lại những bài thuốc hay, cây thuốc quý từ thế hệ trước, ông Quyền còn tự tìm tòi, nghiên cứu thêm các bài thuốc quý qua những cuốn sách cổ viết bằng chữ Nho do cha ông để lại để có thêm kiến thức bốc thuốc chữa bệnh. Bên cạnh đó, ông còn tham gia vào Hội Đông y của huyện để có cơ hội học hỏi thêm, trao đổi kinh nghiệm với các lang y khác để có nhiều bài thuốc hay chữa bệnh cứu người. Trong 42 năm làm nghề thì ông Quyền đã có hơn 20 năm công tác, hoạt động trong Hội Đông y huyện Phú Lương. Hiện nay, ông đang là Chủ tịch Hội Đông y xã Phú Đô với 100% số hội viên đều là những lương y bốc thuốc Nam chữa bệnh.
Nhận xét về lương y Vy Chính Quyền, ông Nguyễn Thế Thuyết, Chủ tịch Hội Đông y huyện Phú Lương khẳng định: Lương y Vy Chính Quyền là một hội viên tiêu biểu của Hội Đông y huyện, bằng lương tâm trách nhiệm của mình, lương y Vy Chính Quyền đã nghiên cứu, tìm hiểu, gìn giữ được rất nhiều bài thuốc hay của dân tộc mình, góp phần không nhỏ trong công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn huyện. Trong quá trình tham gia công tác Hội, ông Quyền còn rất nhiệt tình, năng động, được các hội viên trong Hội Đông y huyện quý mến. Nhiều năm liền, ông được các cấp Hội từ Trung ương đến địa phương ghi nhận và khen thưởng vì có thành tích đóng góp bài thuốc gia truyền, xây dựng củng cố và phát triển Hội.