Những người trẻ “không thích bình thường”

10:24, 02/03/2017

Đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, có người lựa chọn con đường êm ả là học đại học, tốt nghiệp và làm một công việc ổn định, nhưng cũng có người chọn con đường gian nan hơn - khởi nghiệp. Chúng tôi đã gặp một số người “không thích bình thường” ấy. Trong số đó, có người đang thành công, có người chồng chất khó khăn nhưng tất cả họ đều cháy bỏng đam mê, nhiệt huyết và chưa bao giờ nghĩ mình sẽ dừng lại.  

Thắp lên ngọn lửa đam mê

 

“5 giờ sáng, em một mình lái chiếc xe máy “tàu” cà tàng hơn 90km xuống Hà Nội lấy hàng và quay trở về phòng trọ khi đường đã lên đèn” - Đó là chia sẻ của Đoàn Thu Trang, sinh năm 1993, quê ở xã Phấn Mễ (Phú Lương), chủ quán Pizza online Thái Nguyên về những ngày đầu tiên kinh doanh khi đang học năm thứ 2 ngành Kế toán, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên. Đam mê kinh doanh nên từ khi bước vào đại học, cô gái này đã triển khai những dự định bản thân ấp ủ. Năm thứ 2 đại học (năm 2012), Trang bắt đầu bằng việc bán quần áo, mỹ phẩm, đồ lưu niệm online. Năm thứ 3, Trang học hỏi kinh nghiệm bằng việc làm kế toán bán thời gian cho một doanh nghiệp kinh doanh điện thoại di động, thiết bị điện tử. Và năm thứ 4, Trang quyết định khởi nghiệp bằng việc làm, bán bánh Pizza.

 

Đến quán Pizza online Thái Nguyên, chúng tôi thấy trên tường khu bếp có tờ giấy in chữ rất to “nhớ uống nước”. Chúng tôi hỏi về dòng chữ? Trang cười ngại ngùng: “Tại em mải làm việc quá nên quên cả ăn, uống. Em phải dán lên tường để tự nhắc mình”. Kể về quá trình lập nghiệp, Trang bảo: Ý tưởng làm bánh Pizza xuất hiện trong đầu khi em ăn loại bánh này dưới Hà Nội. Khi đó, Thái Nguyên chưa có cửa hàng bán Pizza. Sẵn có fanpage facebook từ thời bán quần áo online, em tự học làm, bán Pizza. Những ngày đầu, em làm bánh trong phòng trọ 10m2. Căn phòng nhỏ lại có lò nướng mini, tủ lạnh nên mùa hè nóng đến ngột thở. Mẹ em xuống thăm, thấy vậy cấm làm, nhưng em ham quá nên mẹ đành chịu.

 

Sau khi làm bánh tại phòng trọ mấy tháng, Trang quyết định mở cửa hàng, toàn bộ vốn đi vay mượn. Ngày đầu mở hàng gian nan, đủ thứ việc, nhiều khi Trang chỉ được ngủ 4-5 tiếng/ngày. Nhưng bao khó khăn, cô gái nhỏ này đều vượt qua được. Đến nay, cửa hàng Pizza online Thái Nguyên đã thành điểm đến thường xuyên của khách hàng. Mỗi ngày cửa hàng cung cấp hàng trăm đơn hàng tại quầy và “ship” (giao hàng) đến tận nơi khách hàng yêu cầu, thu lãi hàng chục triệu đồng/tháng. Fanpage facebook Pizza online Thái Nguyên cũng tăng từ 2.000 người theo dõi lên 15.000 người.

 

Một trong những người trẻ “không thích bình thường” khác chúng tôi muốn nhắc đến trong bài viết này là chàng thanh niên trẻ Lâm Văn Đức, sinh năm 1991, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thịnh Khánh ở xã Dân Tiến (Võ Nhai). Đức đã tốt nghiệp Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên, làm kế toán cho doanh nghiệp ở T.P Thái Nguyên nhưng với mong muốn làm giàu trên chính nơi mình sinh ra, Đức đã về quê hương lập nghiệp. Năm 2016, Đức cùng 6 thành viên khác thành lập HTX Nông nghiệp Thịnh Khánh, đầu tư chuồng trại, ban đầu nuôi 100 con lợn thịt và trên 2.000 con gà đẻ trứng theo hướng chăn nuôi hữu cơ. Năm đầu tiên ít kinh nghiệm, HTX thu lợi nhuận thấp nhưng Đức không nản lòng mà đang tiếp tục theo đuổi mục tiêu. Hay Nguyễn Văn Quảng, sinh năm 1988, ở xóm 13, xã Tân Linh (Đại Từ), bỏ công việc vận hành máy với mức lương cao tại Công ty TNHH Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo để về nhà nuôi thỏ. Quảng cùng những người trẻ tuổi ở địa phương đã thành lập HTX Thanh niên Tân Linh (tháng 7-2015) để có nguồn thỏ thương phẩm ổn định cung cấp cho Công ty Nippon Zoki Việt Nam.

 

Không ít những người trẻ trên địa bàn tỉnh đang như Đoàn Thu Trang, Lâm Văn Đức, Nguyễn Văn Quảng ngày đêm lăn lộn lập nghiệp. Những con người ấy lúc nào cũng tràn đầy năng lượng, làm việc không biết mệt mỏi. Họ phấn đấu tìm cho mình hướng đi riêng, với những lý tưởng, hoài bão lớn. Trong số đó, nhiều bạn trẻ đã biết áp dụng tư duy thời kinh tế số, luôn thay đổi, thích ứng với thị hiếu thị trường. Họ là minh chứng rõ nét cho tinh thần khởi nghiệp, “thắp lên ngọn lửa đam mê” trong giới trẻ hiện nay.

 

Để người khởi nghiệp không “mất nghiệp”

 

Có thể nói, chưa khi nào tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên lại lên cao và được hun đúc nhiều như ở thời điểm này. Nhiều trường đại học, hội sinh viên, đoàn thanh niên và các hội sở thích do thanh niên lập ra trên địa bàn tỉnh đã thành lập các nhóm, câu lạc bộ khởi nghiệp. Thời gian qua, Đại học Thái Nguyên đã liên tục tổ chức các diễn đàn để phát huy tinh thần sáng tạo của sinh viên, khuyến khích sinh viên tạo ra các sản phẩm trí tuệ, khởi nghiệp sớm. Đại học Thái Nguyên cũng sẽ tiến hành xây dựng vườn ươm khởi nghiệp trong năm 2017 và dành 3% nguồn thu từ học phí để hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Điều đó đã tạo nên sự thay đổi trong tư duy của sinh viên, góp phần mở hướng để “những chủ nhân tương lai của đất nước” tạo nên một nền kinh tế năng động sau này.

 

Tuy nhiên, “thắp lên ngọn lửa đam mê” đã khó nhưng giữ nó còn khó hơn rất nhiều lần. Những bạn trẻ khởi nghiệp thường vấp phải muôn vàn khó khăn, trong đó lớn nhất là thiếu vốn. Thực tế hiện nay, nguồn vốn cho thanh niên thông qua các chương trình của đoàn thanh niên, hội liên hiệp thanh niên vẫn ít và đòi hỏi nhiều thủ tục, khó tiếp cận. Trong khi đó, những bạn trẻ mới lập nghiệp lại chưa có tài sản thế chấp, uy tín để vay vốn ngân hàng. Giám đốc HTX Nông nghiệp Thịnh Khánh, Lâm Văn Đức cho biết: Tìm hiểu trên phương tiện thông tin đại chúng, website của các tổ chức đoàn, em thấy rất nhiều nguồn vốn ưu đãi dành cho thanh niên. Tuy nhiên, khi liên hệ thì vô cùng khó khăn, nhiều thủ tục, còn địa phương thì không biết và không triển khai hoạt động gì liên quan. Để mở trang trại, em chỉ có thể vay vốn ngân hàng thông qua thế chấp đất đứng tên bố, mẹ nhưng số tiền vay được thấp và lãi suất không ưu đãi.

 

Vậy làm thế nào để thanh niên khởi nghiệp không “mất nghiệp”? Vấn đề này chỉ có thể giải quyết khi các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm được thành lập, mở rộng. Những quỹ này phải có cơ chế thông thoáng, chính sách phù hợp cho thanh niên mới lập nghiệp. Bên cạnh nguồn vốn, các quỹ cũng cần có bộ phận chuyên đánh giá rủi ro, hỗ trợ pháp lý, kinh nghiệm cho các bạn trẻ. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương cần cập nhật thường xuyên về các chương trình khởi nghiệp, phối hợp chặt chẽ với các quỹ đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những người khởi nghiệp.