Niềm tự hào của dòng họ và quê hương

11:02, 23/03/2017

Những ngày đầu tháng 3-2017, gia đình ông Lưu Kim Long, ở xóm Chùa, xã Hồng Tiến (T.X Phổ Yên) đón nhận một niềm vui đặc biệt: cụ Lưu Bá Mục (biệt danh khi hoạt động là Lý Lãng) sinh năm 1900, mất năm 1948, đã được Tỉnh ủy công nhận là cán bộ tiền khởi nghĩa.

Ông Lưu Kim Long, cháu nội của cụ Lưu Bá Mục phấn khởi nói: Anh em trong gia đình, dòng họ tôi rất tự hào khi nhận Quyết định công nhận ông nội tôi là cán bộ tiền khởi nghĩa. Chúng tôi đã đặt Quyết định này lên bàn thờ ông. Còn bà Lưu Thị Doanh, cháu nội ông Lưu Bá Mục thì bảo: Hồi bé, chúng tôi vẫn nghe bà nội kể khi ông đón cán bộ Trung ương về hoạt động cách mạng, bà còn nấu cơm phục vụ, các con thì canh gác cho các cuộc họp. Việc ông được công nhận thể hiện chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, mang lại vinh dự cho cả gia đình, dòng họ và địa phương. Chúng tôi xin hứa trước hương hồn ông sẽ răn dạy con cháu luôn ghi nhớ đóng góp của người đi trước, tiếp tục sống tốt, cống hiến nhiều hơn cho quê hương, đất nước.

 

Trong không khí thân mật, ấm áp như những người trong gia đình, chúng tôi được ông Long kể lại nhiều câu chuyện về người ông đáng kính của mình: Năm 1994, 1995, trước khi làm tờ khai đề nghị Nhà nước công nhận ông nội là người có công với cách mạng, ông Long đã tìm gặp cụ Đồng Đức Chính, lão thành cách mạng ở xã Bá Xuyên (T.X Sông Công), về Hà Nội gặp cụ Đào Văn Long (bí danh Ngọc Lan), nguyên Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Thái năm 1949, khi nghỉ hưu là Vụ phó Vụ Lao động Bộ Tiền lương. Trên cơ sở những tư liệu hai lão thành cách mạng cung cấp, ông Long đã làm hồ sơ và năm 1999 đã nhận được Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận ông Lưu Bá Mục là người có công giúp đỡ Cách mạng trước tháng 8-1945.

 

Theo một số tư liệu lịch sử địa phương của xã Hồng Tiến, huyện Phổ Yên cũng như lời kể của một số nhân chứng là cán bộ lão thành cách mạng lưu trong hồ sơ của gia đình ông Lưu Kim Long thì năm 1944, ông Lưu Bá Mục được đồng chí Đồng Đức Chính thường xuyên cho xem báo Cứu quốc của Việt Minh để tuyên truyền, giác ngộ về đường lối cách mạng. Thời điểm cuối năm 1944 đầu năm 1945, các đồng chí Ngọc Lan, Liên, Tâm là cán bộ Trung ương về xã Hồng Tiến hoạt động, gây dựng cơ sở phong trào tại thôn Cầu Đông (xã Hồng Tiến ngày nay). Ông Lưu Bá Mục đã nhận nhiệm vụ thường xuyên đưa đón và giúp đỡ một số cán bộ trên đường đi công tác. Gia đình ông cũng được lựa chọn là nơi ăn nghỉ và hoạt động của nhiều cán bộ, trong đó có đồng chí Đào Văn Long. Cũng như hầu hết các gia đình ở Cầu Đông, nhà ông Mục khi ấy rất nghèo nhưng ông bà đã khéo léo vận động nhân dân trong vùng cùng nhau góp lương thực để nuôi giấu cán bộ dưới hình thức đóng giỗ, đóng họ nhằm qua mặt quân địch.

 

Trong thời gian 6 tháng ở nhà ông Mục, đồng chí Đào Văn Long đã giao nhiệm vụ cho ông giác ngộ, tuyên truyền một số chức sắc tiêu biểu ở thôn Cầu Đông như: Phạm Văn Nhật, Dương Văn Kính, Dương Văn Tấu, Lưu Bá Phúc. Những người này về sau đều đã vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Ngày 4-6-1945, đồng chí Đào Văn Long đã triệu tập một số người kiên trung trong các tổ chức quần chúng của địa phương tại gia đình ông Lưu Bá Mục để tuyên bố thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng xã Cầu Đông. Ông Mục được chỉ định là Chủ tịch Ủy ban. Gần 3 tuần sau, một tốp lính Nhật khoảng 50 tên về Cầu Đông lùng sục để bắt các cán bộ cách mạng nhưng nhờ sự bố trí khéo léo của ông Lưu Bá Mục mà đồng chí Đào Văn Long đã thoát khỏi vòng vây của địch.

 

Cũng tại nhà ông Lưu Bá Mục ngày 15-8-1945, Ủy ban Dân tộc giải phóng xã Cầu Đông đã họp để triển khai nhiệm vụ giải phóng huyện đường Phổ Yên. Một ngày sau, cùng với các địa phương, nhân dân Cầu Đông đã tập trung giải phóng được huyện đường. Đến ngày 6-1-1946, tổng tuyển cử các cấp, ông Mục được nhân dân bầu làm Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng lâm thời xã. Năm 1947, ông Mục được kết nạp vào Đảng, trở thành đảng viên đầu tiên của xã Hồng Tiến. Từ tháng 4 đến tháng 7-1947, ông đảm nhiệm vị trí Bí thư Đảng ủy xã (Bí thư Đảng ủy xã đầu tiên của Hồng Tiến). Trong năm 1946, gia đình ông cũng được Tổng bộ Việt Minh tặng Bằng có công với nước, là gia đình đầu tiên của địa phương tự nguyện đón cán bộ cách mạng về nuôi giấu bí mật. Năm 1948, ông từ trần.

 

Ông Lưu Kim Long kể: Khi tôi còn công tác ở Chi cục Thống kê huyện Phổ Yên, một lần tôi được một cán bộ nguyên là lãnh đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy tặng cuốn sách Lịch sử Đảng bộ huyện giai đoạn 1930-1954, xuất bản năm 1995 và nói: Tặng em cuốn sách này vì trong đó có tư liệu quý về ông nội em. Về nhà, tôi đã tìm đọc kỹ trong cuốn sách, trang 54 có ghi rõ: Cuối tháng 5, đầu tháng 6-1945, cấp trên lập Ủy ban dân tộc giải phóng ở Cầu Đông và Vân Giai (Ủy ban dân tộc giải phóng Cầu Đông do ông Lưu Bá Mục làm Chủ tịch; ở Vân Giai do ông Trần Văn Thoa làm Chủ tịch).

 

Đầu năm 2010, ông Long được biết Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 30-HD/BTCTW năm 2009 về điều kiện, căn cứ và quy trình xét, công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến trước Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đã hy sinh, từ trần. Ông đã bàn bạc cùng anh em trong họ, mọi người thống nhất giao cho ông làm việc với Ban Tổ chức Huyện ủy Phổ Yên, Ban Tổ chức Tỉnh ủy để làm hồ sơ công nhận danh hiệu này cho ông nội.

 

Để đáp ứng nguyện vọng và kịp thời động viên thân nhân của ông Lưu Bá Mục, giữa tháng 12-2016, Thị ủy Phổ Yên đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị thẩm định nhân vật lịch sử Lưu Bá Mục là người hoạt động cách mạng trên địa bàn. Hội nghị đã thống nhất khẳng định ông Mục đủ điều kiện tiêu chuẩn được đề nghị cấp trên xét công nhận là cán bộ tiền khởi nghĩa.
Ông Hà Văn Kiệm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hồng Tiến cho biết: Việc cụ Lưu Bá Mục được công nhận là cán bộ tiền khởi nghĩa là niềm vinh dự cho xã nhà. Chúng tôi cũng đang biên soạn, phấn đấu hoàn thành, ra mắt cuốn Lịch sử Đảng bộ xã (hiện đã chỉnh sửa bản thảo lần 2 để chuẩn bị phát hành năm 2017), trong đó có những thông tin về quá trình hoạt động của cụ. Đây là tư liệu quý của địa phương để giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ.