Smartphone ảnh hưởng không tốt với con trẻ

07:57, 01/03/2017

Nhiều cha, mẹ nhói lòng khi phát hiện ra con mình mê Smartphone (điện thoại thông minh) hơn cả chuyện ăn, nghỉ, học tập. Cũng vì con suốt ngày “dán” mắt vào màn hình điện thoại, nhiều cặp vợ chồng đã “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, quát tháo làm ảnh hưởng cả tới hàng xóm.

Nghiện Smartphone cũng là một thói hư. Nhiều bậc phụ huynh đã nói với chúng tôi như vậy. Nhưng trách ai? khi mỗi ngày chính bàn tay mẹ, bàn tay cha thay vì vỗ về âu yếm, trò chuyện lại đưa cho con mình chiếc Smartphone. Chị Hoàng Thị Hoa, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) gãi bày: Mỗi lần đón con từ trường về, em phải đưa ngay Smartphone cho nó. Nếu không, nó phụng phịu, gây sự, em không làm được bất cứ việc gì. Dù em cũng hiểu đến một ngày nào đó, cháu sẽ là người sống cô độc, không có tâm hồn.

 

Chị Hoa chỉ là một trong hàng triệu phụ nữ trên thế giới này dỗ dành con bằng Smartphone. Nhiều trẻ được cha, mẹ cho làm quen với Smartphone từ lúc biết bò. Bắt đầu là facebook, chụp ảnh cho con lên mạng xã hội. Khi con biết cầm nắm thì cho xem những trò ngộ nghĩnh, xem hoạt hình và tập cho cháu tự chơi điện tử. Anh Trần Văn Tuấn, xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên) tự hào: Con tôi mới bi bô học nói, nhưng sử dụng thành thạo các “tiện ích” trên Smartphone.

 

Trước mặt tôi, con trai anh Tuấn, một đứa trẻ hơn 3 tuổi đang mê mải vuốt, vẩy ngón tay trên màn hình cảm ứng. “Tiện ích” cháu sử dụng là các trò chơi điện tử. Các trò chơi cháu tìm được là nhờ vào hình ảnh của từng game lưu giữ. Nhìn đứa trẻ “tập trung cao độ” vào màn hình cảm ứng, tôi bảo: Ngoài các trò chơi điện tử, chiếc Smartphone này còn là robot trông trẻ thông minh.

 

Nhiều trẻ đang lớn lên cùng thế giới ảo - thế giới của sự giả tưởng. Biết thế, nhưng nhiều cha, mẹ vẫn lấy Smartphone cho con chơi. Chị Nguyễn Thị Lan, thị trấn Đu (Phú Lương) cho biết: Vợ chồng em nhiều lần mất đoàn kết cũng vì cho con chơi Smartphone. Hôm mùng 4 Tết Nguyên đán, nhà bận việc, em đưa cho cháu Smartphone, liền bị chồng giật lấy, ném ra vườn, thế là cãi nhau.

 

Từ hơn 10 năm trước đây, nhiều gia đình phải cho con đến ở chùa, đi học ngoại khóa vào dịp nghỉ hè, hoặc sử dụng biện pháp cứng rắn là nhốt cách ly, không cho tiếp cận với màn hình máy tính để cai nghiện game, với mong muốn kéo con về đời thực. Và nếu thế hệ “đàn anh” đi trước thường phải ra quán chat để bước vào thế giới ảo, thì các trẻ em bây giờ lại được cha, mẹ ấn vào tay chiếc Smartphone “từ thuở nằm nôi”, rồi bỏ đi làm việc nhà, mà không hay biết con mình mỗi ngày bị chìm sâu hơn vào thế giởi ảo.

 

Nhìn đứa con 4 tuổi đăm chiêu như một cụ già với cái Smartphone trong tay, anh Lục Văn Tuyến, thị trấn Đình Cả (Võ Nhai) không giáu diếm: Khi phát hiện con mình nghiện Smartphone, tôi đã cấm, cháu rất sợ. Nhưng mẹ cháu lại dấm dúi cho cháu chơi trong buồng. Có hôm cháu nói dối bị mệt, đóng cửa phòng ngủ rồi chùm chăn chơi điện tử. Tôi chưa kịp cho cháu roi nào, vợ đã gào toáng nhà rằng: Không cho con chơi Smartphone thì ai trông?

 

Vì cuộc sống bận rộn, nhiều cha, mẹ phải thỏa hiệp, chấp nhận cho con sử dụng Smartphone. Khi có máy trong tay, các cháu bắt đầu lần tìm trên mạng những trò chơi mạo hiểm, bạo lực và cả phim ảnh cấm trẻ em dưới 18 tuổi mà thiếu sự kiểm soát của người lớn. Có lần, tôi được nghe cô giáo ở một trường mầm non ở T.P Thái Nguyên kể: Hôm rồi, em phải nhắc nhở một phụ huynh - không nên nói chuyện người lớn trước mặt con cái. Người phụ huynh ấy đỏ mặt, phân bua: Thôi chết, chắc cháu nhà tôi nó xem phim ở Smartphone. Xin lỗi cô giáo. Còn một trường hợp khác, cháu đang ngồi chơi một mình trong góc phòng, chợt hét toáng lên làm bọn trẻ trong lớp ngơ ngác. Mẹ cháu đến đón, bảo: Thỉnh thoảng cháu vẫn bị như vậy, vì các trò chơi trong thế giới của Smartphone tạo sự phấn khích bất ngờ.

 

Thế giới ảo làm không ít trẻ em mất đi sự hồn nhiên thơ trẻ. Các bé không có thời gian tham gia những hoạt động vui chơi cùng bạn; không có hoạt động sáng tạo; không phát huy được trí tưởng tưởng của mình… Các trẻ dần quen với cách sống thụ động, bởi mọi thứ đều có sẵn trong Smartphone, chạm tay vào là có. Biết như thế, nhưng nhiều bậc sinh thành vẫn vui vẻ đặt vào tay con mình chiếc Smartphone.