Mới đây, một nhóm nghiên cứu ở Cần Thơ đã công bố kết quả nghiên cứu tình hình thấp còi và giảm mật độ xương ở trẻ em.
Sau 3 năm nghiên cứu (2014-2016), nhóm tác giả đã rút ra kết quả, tỉ lệ trẻ em từ 6 đến 14 tuổi ở Cần Thơ bị thấp còi là 26,07%, trẻ thừa cân béo phì chiếm tỉ lệ 11,08%. Cả hai nhóm trẻ này đều đứng trước nguy cơ bị lùn khi vào tuổi trưởng thành, do bị giảm mật độ xương. Cụ thể, các em thấp còi và béo phì có tỷ lệ giảm mật độ xương 15,46%, cao gấp nhiều lần so với nhóm trẻ bình thường.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ thấp còi là do không được đảm bảo ăn sáng đầy đủ và không được uống sữa. Đây là nguyên nhân phổ biến hiện nay do nhiều phụ huynh chưa ý thức đúng về tầm quan trọng của bữa ăn sáng trong thực đơn ngày của trẻ. Đối với các bé béo phì, nguyên nhân chính được dẫn ra là do lười vận động và ngủ ít hơn 8 tiếng mỗi ngày.
Về giải pháp, nhóm nghiên cứu đã nêu: Ngành giáo dục và ngành y tế cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho trẻ, nhằm phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời để phát triển chiều cao cho trẻ. Việc đo nồng độ vitamin D và đo mật độ xương cần đảm bảo trẻ được kiểm tra ít nhất mỗi năm 1 lần. Trên cơ sở đó, nếu trẻ có nồng độ vitamin D thiếu hoặc giảm và có mật độ xương giảm cần được áp dụng những biện pháp can thiệp về chế độ luyện tập, ăn uống cũng như bổ sung canxi, vitamin D theo nhu cầu của cơ thể trẻ.
Cha mẹ hạn chế cho trẻ tiếp xúc sớm và nhiều với tivi, điện thoại…khiến trẻ lười vận động, thay vào đó nên cho trẻ đi công viên, sinh hoạt ngoài trời để hấp thu vitamin D trong ánh nắng mặt trời và vận động thể chất. Phụ huynh cần phân biệt rõ bé thấp lùn trong diện can thiệp được hay không can thiệp được, để biết bé đang phát triển bình thường hay có bệnh lý. Nếu trẻ bị thấp lùn do tiền sử gia đình, do di truyền, hoặc đã quá tuổi can thiệp thì khả năng cải thiện cho bé là rất thấp.