Vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) không chỉ tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn đáng tiếc mà nhiều trường hợp để lại hậu quả nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng. Không những vậy mà còn gây thiệt hại cho đơn vị cung ứng dịch vụ và thiệt hại cho người sử dụng điện.
Vốn là lao động tự do, phụ hồ kiếm tiền nuôi sống gia đình nhưng vì chủ quan và thiếu hiểu biết mà anh Đồng Văn Hương (ở xã Tân Hương, Phổ Yên) bị điện giật gây tử vong. Sự việc đáng tiếc trên xảy ra vào hồi 18 giờ 30 phút ngày 29-7-2016, tại gia đình anh P.M.H cùng địa chỉ của nạn nhân. Nguyên do là trong quá trình xây dựng nhà ở, anh H. đã tự ý cơi nới xây thêm công trình phụ (không nằm trong cấp phép được xây dựng). Phần công trình này gần với đường dây điện cao thế 35Kv. Anh Hương là công nhân xây dựng tham gia thi công nhưng không để tâm đến mối nguy hiểm này. Khi vừa đứng lên giàn giáo để chuẩn bị làm việc, bất ngờ anh Hương bị điện từ đường dây phóng xuống người làm anh ngã từ trên cao xuống đất, tử vong tại chỗ.
Ngay sau khi tai nạn xảy ra, ngành Điện đã phối hợp với Công an T.X Phổ Yên lập biên bản hiện trường, xác định nguyên nhân xảy ra tai nạn cũng như lập biên bản vi phạm an toàn hành lang lưới điện theo quy định. Qua kiểm tra hiện trường, các cơ quan chức năng xác định khoảng cách từ điểm cao nhất của công trình phụ đang xây dựng của gia đình anh H. đến dây dẫn điện 35Kv đo được chỉ là 1,57m. Đây chỉ là một trong nhiều tai nạn do vi phạm HLATLĐ xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Mặc dù số vụ tai nạn do vi phạm HLATLĐ xảy ra khá nhiều nhưng phần lớn người dân, không dám báo lên chính quyền và cơ quan chức năng, ngành Điện cũng không có cơ sở để lập hồ sơ. Đây là vấn đề khiến ngành Điện đau đầu, dành nhiều thời gian và kinh phí để khắc phục bởi mỗi sự cố đều để lại thiệt hại khó lường về người và kinh tế. Chẳng hạn, năm 2015, có người dân ở xã Văn Hán (Đồng Hỷ) chặt cây đổ vào đường dây cao thế làm mất điện trên diện rộng, ngành Điện phải mất hơn 3 giờ đồng hồ mới tìm được nơi xảy ra sự cố và khắc phục.
Theo ông Nguyễn Minh Nhì, Phó Giám đốc Điện lực Đồng Hỷ, một trong những khó khăn hiện nay là việc nguời dân trồng rừng, trồng cây ở phía trên hoặc phía dưới đường dây mà không chú ý đến vấn đề bảo vệ HLATLĐ. Đến khi cây cao gần sát đường dây, gặp gió, bão hoặc đến kỳ khai thác rất dễ ảnh hưởng đến đường dây gây nguy hiểm nhưng người dân vẫn chủ quan, coi thường. Thậm chí có người còn cố tình trồng cây, làm nhà hoặc cơi nới công trình gần đường dây, khi công nhân điện lực đến nhắc nhở, giải phóng hành lang lưới điện đảm bảo an toàn còn bị ngăn cản, đòi đền bù, thậm chí đuổi đánh.
Còn ông Triệu Đức Nghĩa, Giám đốc Điện lực Phú Bình cho hay: Việc người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ trồng chè, màu trước đây sang trồng cây lâu năm và tình trạng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cả ngành Điện và người dân (nơi dựng cột điện được Nhà nước cấp quyền nhưng lại nằm trong bìa đỏ của các hộ dân) dẫn đến khó khăn trong quản lý, đảm bảo mặt bằng HLATLĐ, thậm chí có người còn cố tình vi phạm, chống đối gây khó dễ cho ngành Điện.
Theo thống kê của Công ty Điện lực Thái Nguyên, đến hết năm 2016, toàn tỉnh còn có 88 công trình đặc biệt nguy hiểm vi phạm HLATLĐ cao áp (có khoảng cách từ dây dẫn đến công trình dưới 3m, theo Nghị định 14/2014/NĐ-CP Nghị định chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực về an toàn điện, bao gồm: an toàn trong phát điện, truyền tải điện). Bên cạnh đó, trên địa bàn lưới điện tỉnh còn nhiều điểm có cây ngoài hành lang có thể đổ vào đường dây khi mưa bão, ảnh hưởng đến vận hành lưới điện. Để khắc phục những điểm nguy hiểm vi phạm HLATLĐ, cũng như những sự cố do vi phạm này gây ra, hằng năm, Công ty Điện lực Thái Nguyên đã phải tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, vừa kết hợp cải tạo, nâng cấp vừa làm xà lánh đưa đường dây vươn ra xa khu vực công trình của người dân. Đặc biệt, ngay sau khi Nghị định số 14/2014/NĐ của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực về an toàn điện có hiệu lực, Công ty đã phối hợp UBND các địa phương tổ chức Hội nghị tuyên truyền về nội dung của Nghị định đến các ban, ngành cấp huyện. Đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền vận động người dân bảo vệ HLATLĐ cao áp để cung cấp điện ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; xây dựng quy chế phối hợp giữa ngành Điện và chính quyền khi giải quyết vi phạm. Mỗi năm, Công ty in và cấp phát hàng chục nghìn tờ rơi tuyên truyền về tiết kiệm điện, an toàn điện, các hành vi bị cấm và chế tài xử phạt đến các hội nghị và nhân dân.
Mặc dù ngành Điện đã có rất nhiều nỗ lực, nhận thức của nhân dân về an toàn điện đã được nâng lên nhưng vi phạm HLATLĐ còn khá nhiều, chưa kể hệ thống đường dây chạy qua các đồi rừng đang bị “đe dọa” bởi cây cối. Tất cả những vướng mắc trên dễ phát sinh mà khó khắc phục. Để hạn chế những tai nạn đang tiếc do vi phạm HLATLĐ ngoài sự vào cuộc của ngành Điện, các cấp, ngành chức năng thì mỗi người dân cần nhận thức đúng và có ý thức chấp hành đảm bảo an toàn hành lang lưới điện, đừng tự hại mình và gây thiệt hại cho người.