Bắt đầu từ nơi khó nhất

14:31, 04/04/2017

Thái Nguyên là tỉnh còn khá đông đồng bào sinh sống nơi vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thực hiện chủ trương làm dân vận kết hợp với giúp đỡ dân bản, cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh đã khiến nhân dân thêm tin yêu với Đảng, Quân đội.

Còn nhớ năm 2010, thực hiện chủ trương này, xóm Bản Tèn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) đã được Bộ CHQS tỉnh chọn là mục tiêu trọng điểm trong công tác dân vận của năm. Nơi đây có chưa đầy 100 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Đến với bản, cách duy nhất chỉ có thể là đi bộ, thời gian từ điểm dừng xe máy đến bản phải mất 3 tiếng đồng hồ. Mặc dù chỉ cách trung tâm tỉnh chưa đầy 60km nhưng Bản Tèn “không đường, không điện, không trạm y tế, không nước sạch sinh hoạt, học sinh học ghép cả mầm non lẫn tiểu học”. Bộ đội đến với bản vác từng hạt gạo, gói muối tặng cho đồng bào vì ở đây thứ lương thực chủ đạo là Mèn mén (ngô xay). Bộ đội còn mang quần áo ấm, bàn ghế và sửa sang lớp học cho học sinh, cải tạo đường nước sạch dẫn từ khe suối về đến trung tâm xóm. Bộ đội còn hướng dẫn nhân dân cách sử dụng giống cây trồng, vật nuôi trong canh tác nông lâm nghiệp, tránh du canh, du cư.

 

Có kinh nghiệm trong năm đầu thực hiện, năm 2011, Bộ CHQS tỉnh chọn bản Lũng Luông, xã Thượng Nung (Võ Nhai) làm mục tiêu để làm công tác dân vận. Đây là một bản đồng bào Mông khó khăn hơn cả Bản Tèn. Sau gần 2 tháng bám bản, hơn 50 cán bộ, chiến sĩ đã di chuyển nhà văn hóa về trung tâm bản, sửa sang lớp học cho các cháu ấm về mùa đông, mát về mùa hè; hướng dẫn đồng bào trồng thêm lúa nước, nuôi trâu, bò, lợn gà để phục vụ cuộc sống, phát triển kinh tế hộ gia đình. Qua những việc làm thiết thực, hiệu quả, đồng bào đã tin vào bộ đội, báo cho bộ đội biết kẻ xấu đang lôi kéo đồng bào Mông.

 

Từ kinh nghiệm tích lũy được, với truyền thống đoàn kết quân với dân, công tác dân vận của Bộ CHQS tỉnh đã từng bước đổi mới. Bộ CHQS tỉnh đã huy động cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng đóng góp ngày lương để mỗi năm xây cho một địa phương một nhà văn hóa kiên cố, đầy đủ tiện nghi để nhân dân có đủ điều kiện sinh hoạt cộng đồng. Và xóm Đin Đeng, xã Yên Trạch (Phú Lương) là xóm đầu tiên nhận nhà văn hóa do Bộ CHQS tỉnh tặng năm 2012 trị giá gần 400 triệu đồng. Cứ thế, mỗi năm Bộ CHQS tỉnh đều xây 1 nhà để tặng nhân dân và tháng 4 này, xóm Lưu Quang, xã Minh Tiến (Đại Từ) là địa phương thứ 6 nhận công trình nhà văn hóa do Bộ CHQS tỉnh trao tặng.

 

Ngoài việc xây tặng nhà văn hóa cho các xóm nghèo, Bộ CHQS tỉnh còn chung tay với các sở, ngành của địa phương xây dựng nông thôn mới. Trong 10 năm gần đây, cán bộ, chiến sĩ trong LLVT tỉnh, bộ đội thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên đã huy động hàng vạn ngày công để tu sửa cầu cống, đường sá, nạo vét kênh mương … Điển hình như năm 2014, Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải, T.P Thái Nguyên làm mới trên 6km đường bê tông tại xóm Đồng Dong, xã Phương Giao (Võ Nhai).

 

Không chỉ là tặng cho đồng bào vật chất mà Bộ CHQS còn lồng ghép tuyên truyền qua các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ quân - dân, vận động nhân dân qua các buổi lễ trao nhà tình nghĩa, tặng quà cho các gia đình chính sách, hoạt động kết nghĩa của Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đơn vị với các địa phương… Cũng theo Nghị quyết lãnh đạo hàng năm của Đảng ủy Quân sự tỉnh, trước những khó khăn của tình hình kinh tế - xã hội, nhất là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, một mặt Bộ CHQS tỉnh chủ động liên hệ với Ban Dân vận Tỉnh ủy và các ban, ngành trong tỉnh, các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn xây dựng chương trình phối hợp công tác, tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhiều biện pháp xây dựng tổ chức đảng và chính quyền địa phương, cơ sở trong sạch, vững mạnh củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, nhất là tham gia giải quyết linh hoạt, kịp thời, hiệu quả những vấn đề nổi cộm phát sinh do dân vận chưa tốt, nguy cơ thành điểm nóng liên quan đến quốc phòng - an ninh.

 

Qua công tác dân vận, Bộ CHQS tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí của trung ương và địa phương vào cuộc tuyên truyền, chia sẻ rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đã biết đến các bản làng nới có dấu chân người chiến sĩ. Cho đến nay, bản Lũng Luông đã thay da đổi thịt hoàn toàn. Điện lưới quốc gia, đường bê tông đến tận bản, học sinh có phòng học khang trang; nông dân được trang bị giống vốn, vật nuôi cùng kỹ thuật nuôi trồng tiên tiến, không còn có hộ thiếu đói. Bản Tèn cũng vậy, mọi nhà đã có ti vi để xem, có lớp học chắc chắn, có chi bộ đảng lãnh đạo.

 

Không chỉ có nhân dân các xóm bản ghi nhận mà nhiều năm qua, Bộ CHQS tỉnh luôn được cấp ủy, chính quyền, ban ngành đoàn thể các cấp và nhân dân đánh giá cao, ủng hộ nhiệt tình, góp phần để đơn vị tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng cơ quan quân sự các cấp. Thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh, cơ quan quân sự các cấp thường xuyên nhận được ý kiến đóng góp xây dựng chân tình từ các cựu chiến binh, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng xóm, có khi là những cuộc điện thoại thông tin kịp thời về tình hình địa bàn, về lễ tiết tác phong, ý thức chấp hành pháp luật của một số cán bộ, quân nhân khi ra ngoài doanh trại, sinh hoạt ở khu dân cư… Nhờ đó, các vụ việc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng đến nay đã chấm dứt, 100% đơn vị an toàn tuyệt đối. Nhiều năm liền Bộ CHQS tỉnh đạt vững mạnh toàn diện. 

 

Bằng nhiều việc làm thiết thực, Bộ CHQS tỉnh đã củng cố mối quan hệ đoàn kết quân dân ngày càng bền chặt, làm sáng mãi hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng dân. Đây chính là thành tích vô cùng qu‎ý báu sau 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của LLVT tỉnh Thái Nguyên.