Cựu nhà giáo góp sức làm đẹp quê hương

10:38, 20/04/2017

Thu gom rác thải vốn là công việc chẳng ai muốn làm, nhưng bà Trịnh Thị Quý, xóm 2, xã Cù Vân (Đại Từ) lại tình nguyện làm công việc này và chẳng màng đến thù lao. Với bà, làm cho quê hương sạch, đẹp chính là thù lao lớn nhất cho bà và những người dân ở đây.

Chúng tôi tìm gặp bà Trịnh Thị Quý đúng lúc bà đang cùng với các thành viên Tổ thu gom rác thải thu gom dọc Quốc lộ 37 đoạn qua địa phận xã. Trò chuyện với chúng tôi, bà Quý cho biết: Tôi sinh ra và lớn lên tại xã Cù Vân, từ nhỏ đã ấp ủ ước mơ trở thành cô giáo để được góp sức mình dạy dỗ con em địa phương. Ra trường, tôi về làm giáo viên tại Trường cấp I, II Cù Vân. Đến năm 1992, sau khi tách trường cấp I và cấp II riêng, bà Quý được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường tiểu học. Thấy các em nhỏ phải đi học xa, nhiều phụ huynh bận rộn với đồng áng không thể ngày 4 lượt đưa đón con tới lớp, bà Quý đã đi đến một số trường để học hỏi mô hình tổ chức cho học sinh ăn bán trú tại trường. Đến năm 1995, Nhà trường triển khai mô hình cho học sinh học bán trú và trở thành trường thứ 2 trong toàn huyện thực hiện được mô hình này. Sau khi nghỉ hưu, bà vẫn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương và được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Khuyến học xã. Từ chỗ Hội thành lập mang tính hình thức, chưa có hoạt động cụ thể, đến nay, xã có 16 chi hội khuyến học, trong đó 13 chi hội xóm và 3 chi hội trường học. Các chi hội đều xây dựng được quỹ, kịp thời khen thưởng, động viên, khích lệ những học sinh có thành tích học tập cao.

 

Không chỉ làm tốt nhiệm vụ của Hội khuyến học, bà Quý còn tình nguyện nhận luôn việc làm Tổ trưởng Tổ thu gom rác thải của xã. Bà Quý bộc bạch: Tôi làm việc này cũng bởi… chẳng ai muốn làm cả. Trước đây, môi trường nông thôn ở đây ô nhiễm ở mức báo động, phần lớn là do rác thải gây ra. Trước tình hình đó, tôi luôn mong muốn có thể dọn sạch rác thải, trả lại môi trường trong sạch cho quê hương mình.

 

Đó là năm 2014, xã Cù Vân đang dồn sức thực hiện các tiêu chí còn lại về xây dựng nông thôn mới để về đích, trong đó tiêu chí môi trường là tiêu chí khó nhất. Bởi nhiều năm trước, người dân địa phương chưa có thói quen để rác đúng nơi quy định mà cứ bạ chỗ nào vứt chỗ đó, khiến môi trường bị ô nhiễm. Trước thực trạng đó, bà Quý đã tự nguyện đứng ra nhận đi thu gom rác.

 

Ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã cho biết: Còn nhớ, hôm đó là 30 Tết, bà Quý đã vận động thêm 6 người nữa đi thu gom cùng. Dụng cụ thu gom không có, các bà tự lấy cuốc, xẻng của gia đình ra làm, xe cải tiến vốn được sử dụng làm phương tiện để chở thóc lúa nay được trưng dụng làm xe chở rác. Những đống rác để lâu ngày bốc mùi hôi thối được các bà, các chị dọn dẹp sạch sẽ và Tết năm đó, trên khắp các con đường, những bờ ruộng đã không còn bóng dáng của những đống rác.

 

Sau lần đầu đó, lãnh đạo xã ngỏ ý muốn bà làm Tổ trưởng Tổ thu gom rác thải và bà đã đồng ý ngay. Với cương vị đó, bà đã tự mình đi vận động một số chị em tham gia cùng, mặc dù việc vận động khá khó khăn, song được bà giải thích, tuyên truyền, cộng với sự nhiệt tình của bà nên nhiều người đã đồng ý làm. Trước, Tổ có 7 người, nhưng do công việc vất vả, thường xuyên tiếp xúc với rác bẩn, nên một số người bỏ, hiện Tổ còn 4 người. Nhiệm vụ của Tổ thu gom rác thải là hằng ngày, các thành viên đi thu gom rác tại các hộ và 10 ngày/lần thực hiện chở đến điểm tập kết của xã. Nghe thì đơn giản nhưng nhiệm vụ của người thu gom rác không chuyên thực tế rất nhiều vất vả, chỉ với mức thù lao khoảng 1 triệu đồng/người, trong khi làm việc thiếu thốn dụng cụ, không được cấp bảo hộ lao động, hơn nữa địa bàn xã lại rộng, số người thu gom lại ít, vì thế các thành viên Tổ phải đẩy xe thu gom đi trên một quãng đường khá xa mới hoàn thành công việc, có điểm tới 3km. Mỗi ngày Tổ thu gom trên 10 khối rác thải, nếu khéo bố trí sắp xếp cũng phải 4 - 5 tiếng/ngày mới xong. Những ngày lượng rác sinh hoạt nhiều như lễ, Tết, người thu gom rác phải đi cả ngày mới hoàn thành. Ngày khô tạnh đã vất vả, ngày mưa còn nhọc hơn. Bởi vậy, công việc của người thu gom rác thải không phải ai cũng sẵn lòng làm, mà phải là những người có đủ sự nhiệt tình, biết hy sinh bản thân vì lợi ích của cộng đồng, góp sức mình để làm đẹp cho quê hương.