Bên cạnh việc bắt buộc các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện kinh doanh, chế biến thực phẩm an toàn mới được tiếp phẩm cho bếp ăn hàng ngày cho trẻ em lớp mầm non, Nhà trường lựa chọn các “nhà thầu” phải có con, cháu của gia đình đang gửi tại Trường, nhằm nâng cao trách nhiệm gia đình, xã hội cho mỗi bữa ăn an toàn. Cách làm của Trường Mầm non Chùa Hang (Đồng Hỷ) đã góp phần kiểm soát thực phẩm an toàn trước khi vào bữa ăn.
Trường Mầm non Chùa Hang là một trong những cơ sở giáo dục đạt chuẩn Quốc gia của huyện Đồng Hỷ từ năm 2009, vì vậy một trong những nhiệm vụ giữ chuẩn Quốc gia của Trường chính là bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm phải bảo đảm hợp chuẩn. Với quy mô 10 lớp học, có trên 300 suất ăn cho trẻ mỗi ngày, Nhà trường luôn thực hiện chế độ công khai chế độ dinh dưỡng, chất lượng và nguồn gốc thực phẩm hàng ngày, đồng thời lưu mẫu phẩm bữa ăn hàng ngày trong 24h.
Để bảo đảm duy trì mỗi bữa ăn an toàn, Nhà trường, Hội phụ huynh đã thống nhất các quy định: Rõ nguồn gốc, chuẩn quy định, đúng đối tượng và công khai. Cô giáo Trần Mai Lan, Hiệu trưởng Nhà trường, cho biết: “Thực hiện các quy định về chuẩn ATVSTP là vấn đề không đơn giản với đối tượng trẻ em bậc học mầm non, khi thị trường hiện nay còn thiếu rất nhiều nhà cung ứng thực phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh. Sau rất nhiều ý kiến đóng góp từ phía phụ huynh học sinh, nhân viên tổ nuôi dưỡng trẻ (cô nuôi) và giáo viên, Trường đã xây dựng được quy tắc thống nhất, đó là: thực phẩm lấy ở đâu phải rõ nguồn gốc, địa chỉ và lý lịch mới nhập về bếp ăn. “Nhà thầu” phải là người có đủ năng lực theo quy chuẩn pháp luật đủ điều kiện sơ chế, kinh doanh, bảo đảm sức khỏe… mới được tiếp phẩm cho bếp ăn. Bên cạnh đó, người tiếp phẩm phải đúng đối tượng đã được kiểm tra sức khỏe của ngành Y tế về kinh doanh, chế biến, vận chuyển thực phẩm; dụng cụ chứa, vận chuyển thực phẩm phải bảo đảm cách ly không tiếp xúc với môi trường bên ngoài trong quá trình vận chuyển. Khi thực phẩm đến Trường, việc đầu tiên là kiểm tra và cập nhật thông thin để công khai niêm yết trên bảng phía trước sân trường để phụ huynh, giáo viên được biết rõ, tiếp đến là giao nhận công khai theo hình thức “tay ba” giữa Ban Giám hiệu, giáo viên và đội ngũ cô nuôi chế biến. Toàn bộ khâu tiếp phẩm, lưu thông và chế biến đều đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của Hội phụ huynh học sinh”.
Bà Trần Thị Gái, Tổ trưởng Tổ nuôi dưỡng, chia sẻ: “Với bếp ăn cho trẻ em, gia đình, xã hội rất quan tâm, vì ai cũng lo cho con em của họ, vì vậy “nhà thầu” cư trú ở đâu, lấy thực phẩm ở địa chỉ nào, số lượng bao nhiêu, hầu như đều được các bậc phụ huynh truy hỏi, giám sát rất chặt chẽ. Từ năm 2010 trở về trước, việc cho trẻ ăn gì, mua ở đâu thường người dân ít quan tâm, nhưng những năm gần đây, chính việc giám sát thực phẩm an toàn lại do phụ hunh giám sát. Gần như ngày nào các bậc phụ huynh cũng đến theo dõi và đối chiếu với nơi cung ứng thực phẩm… Đây chính là sự cộng đồng trách nhiệm về bữa ăn an toàn cho Nhà trường”.
Được biết, mỗi năm, trước khi bức vào năm học mới, Hội đồng Nhà trường tổ chức Hội nghị chuyên đề về VSATTP, trong đó tập trung vào lực chọn “nhà thầu” và địa chỉ mua thực phẩm an toàn. Để bảo đảm tính khách quan và nâng cao trách nhiệm trong việc bảo đảm ATVSTP, cô Trần Mai Lan chia sẻ kinh nghiệm: Ưu tiên đầu tiên cho “nhà thầu” phải là người có con, cháu ruột thịt trực tiếp ăn, học tại Trường. Như vậy trách nhiệm sẽ cao hơn khi chính bản thân họ tiếp phẩm đến nhà bếp cho con, cháu mình ăn, uống. Tiếp theo là việc trực tiếp đưa các “nhà thầu” đi kiểm tra sức khỏe và các điều kiện về kinh doanh, vận chuyển, chế biến thực phẩm tại cơ quan chuyên môn, sau cùng mới xét đến các điều kiện khác, như giá thành, công lao động… Và mỗi năm lựa chọn, xét một lần trước khi vào năm học mới. Cũng thông qua hình thức tổ chức Hội nghị về VSATTP hàng năm, Hội phụ huynh đã có sáng kiến lựa chọn ngay đơn vị bộ đội của Quân khu 1 đóng quân trên địa bàn huyện Đồng Hỷ làm nhà sản xuất rau an toàn trực tiếp cung ứng cho bếp ăn của Trường hàng ngày. Thực tế số trẻ em là con em cán bộ, quân nhân của Quân khu 1 học tại Trường luôn giao động từ 100-200 cháu. Đây chính là điều kiện tốt nhất để cha, mẹ các cháu cùng chung sức nâng cao trách nhiệm xã hội về VSATTP trong mỗi bữa ăn của Trường.