Giải quyết tận gốc vấn đề sụt lún ở Trại Cau

08:38, 06/04/2017

Lâu nay, vấn đề xử lý sụt lún ở khu vực Trại Cau được coi như mới làm ở phần ngọn mà chưa có giải pháp mang tính lâu dài, giải quyết tận gốc vấn đề. Tuy nhiên, tại cuộc họp của UBND tỉnh sáng 5-4, vấn đề trên đã được xem xét thấu đáo hơn trên tinh thần giải quyết triệt để không dây dưa, kéo dài.

Di dời khẩn cấp hai hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng

 

Thông tin mới nhất từ Sở Xây dựng, sau khi cử cán bộ chuyên môn đến khảo sát mức độ nguy hiểm của các công trình xây dựng thuộc khu vực khoanh vùng ảnh hưởng sụt lún, Sở này khẳng định có hai hộ dân phải di chuyển chỗ ở ngay lập tức, tránh nguy hiểm đến tính mạng, tài sản. Đó là hộ gia đình ông Nông Văn Nàng, xóm Kim Cương và gia đình bà Đặng Thị Chung, xóm Trại Cau, xã Cây Thị. Hai gia đình này đã phải làm lán ra ở tạm bên ngoài từ nhiều ngày nay do nhà bị nghiêng, tường bị nứt, nền bị lún sâu, rất nguy hiểm.

 

Ông Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Sở Xây dựng cho hay: Chỉ bằng trực quan cũng đủ thấy nhà ở của hai hộ dân này ở mức độ nghiêm trọng, có thể đổ sập bất cứ lúc nào, cần phải di chuyển ngay. Theo kiểm kê, tính toán của UBND huyện Đồng Hỷ, nếu bồi thường hỗ trợ di dời hai hộ này, kinh phí dự kiến gần 1 tỷ đồng. Được biết, tại khu vực Trại Cau, huyện còn 6 ô đất tái định cư sẵn sàng tiếp nhận các hộ chuyển đến ở. Ngoài ra, địa phương cũng đang xây dựng tiếp một khu tái định cư mới với trên 100 ô đất.

 

Có ý kiến chỉ đạo về các trường hợp này, đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu: Huyện Đồng Hỷ và các ngành, đơn vị liên quan tổ chức di dời ngay hai hộ dân nói trên ra khỏi khu vực nguy hiểm. Thời gian di chuyển xong trước ngày 15-4-2017 trên cơ sở theo nguyện vọng của người dân (có thể nhận tiền hoặc được bố trí đất tái định cư). Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Công ty Gang thép) có trách nhiệm bố trí kinh phí chi trả bồi thường, di dời cho hai hộ này. Các hộ bị ảnh hưởng khác sẽ tiếp tục được xem xét, có phương án giải quyết theo quy định.

 

Mời ngay đơn vị xác định chủ thể gây sụt lún

 

Do có một số doanh nghiệp khai khoáng cùng hoạt động trong khu vực bị sụt lún nên chưa có đơn vị nào chính thức đứng ra nhận trách nhiệm. Bởi vậy, theo đề xuất của Sở Tài Nguyên và Môi trường, cần thuê Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vào xác định làm cơ sở quy trách nhiệm cụ thể. Năm 2016, Viện này đã được tỉnh mời về khảo sát bước đầu trước khi tiến tới xác định nguyên nhân, khoanh vùng chủ thể gây ra. Kinh phí xác định dự kiến khoảng 3,6 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Bá Chính, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, nếu được sẽ đề nghị Viện này xác định và tiên lượng thêm mức độ, bán kính ảnh hưởng nếu tiếp tục khai thác mỏ ở tầng sâu hơn. Như vậy, kinh phí sẽ tăng lên khoảng 4 đến 5 tỷ đồng, thời gian xác định cũng kéo dài khoảng 6 tháng.

 

Thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Nhữ Văn Tâm đã đồng ý chủ trương mời Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đến xác định nguyên nhân, trách nhiệm và tiên lượng mức độ ảnh hưởng sụt lún. Theo Luật Khoáng sản, trước mắt tỉnh sẽ ứng ngân sách để chi trả toàn bộ hoạt động xác định chủ thể gây sụt lún, khi có kết quả cụ thể, doanh nghiệp gây ra phải chịu hoàn toàn phí tổn.

 

Giải quyết tận gốc vấn đề

 

Theo ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ, tháng trước huyện thống kê có 133 hộ dân thuộc xã Cây Thị và thị trấn Trại Cau bị ảnh hưởng sụt lún, nhưng đến nay, số hộ phát sinh mới đã tăng thêm hàng chục trường hợp. Điều đó chứng tỏ mức độ ảnh hưởng từ khai thác mỏ ngày càng lan nhanh ra diện rộng. Bởi vậy, nếu chỉ thống kê, kiểm đếm và tìm nguồn bồi thường, hỗ trợ sụt lún coi như chỉ giải quyết được phần ngọn. Điều quan trọng là phải giải quyết được tận gốc vấn đề mới mong không phát sinh ảnh hưởng. Bài học cho thấy, nhiều năm nay chúng ta dành kinh phí bồi thường hàng chục tỷ đồng cho nhân dân vùng ảnh hưởng, song tình trạng đơn thư kiến nghị của bà con vẫn không hề giảm. Mấy ngày gần đây, huyện tiếp tục tiếp nhận hàng chục đơn thư phản ánh về tình trạng sụt lún. Ông Thủy kiến nghị: Phải mở rộng giải quyết toàn bộ số hộ bị sụt lún, mất nước trong phạm vi ảnh hưởng của hoạt động khai thác mỏ. Tiến hành giải quyết dứt điểm, đồng bộ, tránh giải quyết trường hợp này lại phát sinh trường hợp khác. Nếu không, phải tiến hành đóng cửa các mỏ để giải quyết dứt điểm vấn đề.

 

Đồng nhất với quan điểm này, một số nhà chuyên môn cho rằng, khu vực Mỏ tầng sâu Núi quặng của Công ty CP Gang thép chính là một trong những chủ thể gây ra sụt lún, mất nước. Bởi vậy, đơn vị cần xem xét để xử lý dứt điểm vấn đề trên. Có ý kiến về nội dung này, ông Đỗ Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Công ty Gang thép khẳng định, trước khi khai thác Mỏ tầng sâu Núi Quặng, đơn vị đã hoàn thành đầy đủ các thủ tục theo quy định, nhất là thủ tục đánh giá tác động môi trường. Dự kiến thời gian khai thác mỏ này chỉ còn 5 năm, nếu đóng cửa sẽ ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của khoảng 300 lao động tại Mỏ sắt Trại Cau và cả hoạt động sản xuất của Công ty. Trong khi đó, Công ty đang chồng chất khó khăn, giá nguyên liệu quặng sụt giảm mạnh, chủ thể vốn của Công ty có nhiều thay đổi… Do đó, nhiều khả năng Công ty sẽ giảm một nửa sản lượng để từng bước khắc phục khó khăn.

 

Để giải quyết tận gốc vấn đề, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, Công ty Gang thép cần xem xét hiệu quả kinh tế của dự án, nếu ổn thì tiếp tục khai thác, nhưng phải cam kết đảm bảo chế độ, chính sách cho các hộ dân xung quanh. Nếu không hiệu quả thì phải tiến hành các thủ tục dừng hoặc giảm sản lượng. Huyện Đồng Hỷ phối hợp với các sở, ngành liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát tổng số hộ dân ảnh hưởng, từ đó phân loại, lập biên bản và có danh sách cụ thể để làm cơ sở giải quyết. Đây là vấn đề không phải ngày một, ngày hai, nhưng quan điểm nhất quán của tỉnh phải giải quyết dứt điểm toàn bộ trên tinh thần nhanh nhất có thể, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần.