Hành động vì an toàn thực phẩm

09:44, 21/04/2017

Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2017 với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; Kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu” vừa được Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP Trung ương ban hành tại Kế hoạch số 273/KH-BCĐTƯVSATTP ngày 13-3-2017. Theo Kế hoạch, Tháng hành động Hành động Vì an toàn thực phẩm ATTP sẽ được triển khai từ ngày 15-4 đến 15-5 trên phạm vi toàn quốc.

Đây là một trong những vấn đề nóng, đang gây sự chú ý trong dư luận. Mục tiêu chính của Tháng hành động Vì ATTP năm nay nhằm giải quyết căn bản bức xúc nổi cộm hiện nay là sử dụng hóa chất hay cồn công nghiệp trong sản xuất rượu, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; đảm bảo ATTP tươi sống (rau, thịt, thủy sản...), trọng tâm là giảm thiểu rõ nét mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh, ô nhiễm vi sinh vật trong thịt, thủy sản, củng cố niềm tin cho người tiêu dùng. Cùng với đó là nâng cao ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về ATTP của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rượu, các thực phẩm tươi, sống; giảm thiểu tình trạng lạm dụng rượu. Trong tháng, các hoạt động thanh tra, kiểm tra bảo đảm ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm tươi sống, đặc biệt là các cơ sở giết mổ, cơ sở chế biến, cung ứng rau, thịt, thủy sản; cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu sẽ được tăng cường.

 

Hưởng ứng Tháng hành động Vì ATTP, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh cũng đã phát động trên địa bàn toàn tỉnh và tích cực triển khai thực hiện. Hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cấp, các ngành, việc thực hiện  quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP trong sản xuất - kinh doanh đã và đang được đẩy mạnh. Với một chiến dịch truyền thông mạnh mẽ vì ATTP, ngoài tuyên truyền trực quan thông qua hệ thống băng zôn, khẩu hiệu, tỉnh đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với các cơ quan liên quan biên soạn tài liệu tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về đảm bảo ATTP, trong đó có phòng ngừa ngộ độc rượu; xây dựng kế hoạch triển khai Năm cao điểm hành động vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp với các nhiệm vụ cụ thể; bổ sung hệ thống thiết bị kiểm nghiệm ATTP chất lượng cao để phục vụ kịp thời công tác kiểm tra, giám sát.

 

Đó là những hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng hành động Vì ATTP. Tuy nhiên, tình hình ATTP vẫn tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do các tổ chức, cá nhân lạm dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm tươi sống; sự gia tăng sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, chất bảo quản sau thu hoạch, chất nhuộm mầu trong chế biến nông sản… Ngoài ra, từ các khâu sản xuất ban đầu như trồng trọt, chăn nuôi cho đến khâu bảo quản, chế biến phần lớn chưa đáp ứng quy định, quy chuẩn kỹ thuật vệ sinh ATTP, nhất là tại các cơ sở giết mổ, các cơ sở chế biến. Người dân hàng ngày luôn thường trực nỗi lo lắng về những thực phẩm mình đang tiêu dùng hoặc là bẩn, hoặc là sử dụng hóa chất độc hại vượt ngưỡng quy định. Chính điều đó đã và đang gây nhiều hệ lụy cho xã hội.

 

Có thể nói, nguy cơ mất vệ sinh ATTP đối với người tiêu dùng vẫn trong vòng “luẩn quẩn” nếu ý thức, hành vi của các tổ chức, cá nhân tham gia trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm tươi, sống không thay đổi. Bởi vậy, chúng ta không nên chỉ dừng lại trong Tháng hành động. Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP các cấp cần quan tâm thường xuyên, chú trọng kiện toàn bộ máy, đẩy mạnh tuyên truyền về ATTP trong nhân dân, tập huấn cho các hộ kinh doanh và ký cam kết đảm bảo ATTP; giáo dục học sinh, người dân không sử dụng thức ăn hè phố; thực hiện kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở sản xuất, đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành những văn bản quy định chặt chẽ, xử lý mạnh hơn đối với những trường hợp sản xuất thực phẩm không an toàn, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Đồng thời, người dân cũng cần phải thay đổi thói quen, không nên quá dễ dãi tiêu dùng sản phẩm rẻ, tiện lợi tại những nơi không đảm bảo vệ sinh, sản phẩm không rõ nguồn gốc. Người sản xuất, mua bán vì mục tiêu kinh doanh lâu dài, bền vững không nên lạm dụng hóa chất trong sản xuất, bảo quản thực phẩm.