Trong 19 tiêu chí về nông thôn mới thì tiêu chí môi trường vẫn được xem là một trong những tiêu chí khó đạt nhất và cũng khó giữ bởi đây là tiêu chí “mềm”, liên quan đến ý thức của mọi người dân. Xác định được những khó khăn trước mắt, huyện Đại Từ đã đề ra nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường nông thôn, đặc biệt là đối với các xã chưa đạt tiêu chí này.
Tính đến nay, huyện Đại Từ đã có 8 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là: Hùng Sơn, La Bằng, Bản Ngoại, Mỹ Yên, Hà Thượng, Tân Thái, Cù Vân, Tiên Hội, Vạn Thọ, Ký Phú, Khôi Kỳ, Phú Xuyên. Điều này đồng nghĩa là các xã còn lại chưa đạt tiêu chí môi trường.
Trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương thì tiêu chí môi trường luôn được hoàn thành cuối cùng và cũng là tiêu chí vô cùng khó khăn. Nguyên nhân thì có rất nhiều: ý thức của người dân về vệ sinh môi trường chưa đồng đều, nhiều nơi chưa có bãi rác tập trung, chưa thực hiện thu gom rác tập trung, đầu tư xây dựng các khu xử lý rác thải, chất thải tương đối khó khăn…
Hiện trên địa bàn huyện mới có 1 mô hình xử lý rác thải sinh hoạt khép kín được đặt tại xã Bình Thuận. Khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung này rộng 20ha, với các hạng mục như: bãi chôn lấp, lò đốt rác, hệ thống lọc, lắng nước rỉ rác… Tuy nhiên, khu xử lý này mới chỉ đảm đương được lượng rác thải tại khu vực trung tâm huyện và một số xã lân cận. Còn lại, rác thải tại 17/30 xã, thị trấn vẫn chưa được thu gom và xử lý.
Xã Phục Linh đã đăng ký về đích nông thôn mới trong năm 2017, nhưng đến thời điểm hiện tại xã còn 3 tiêu chí chưa đạt, trong đó có tiêu chí môi trường. Ông Nguyễn Đình Khương, Chủ tịch UBND xã cho biết: Toàn xã có 17 xóm, do dân cư ở không tập trung nên việc thu gom rác thải cũng gặp nhiều khó khăn. Từ trước đến nay, bà con vẫn tự xử lý rác thải sinh hoạt, một số ít còn vứt rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường. Đến nay, xã đã tìm được 2 điểm tập kết tại xóm Soi và xóm Khuôn 3. Tuy nhiên, để người dân thay đổi thói quen để rác đúng nơi quy định thì còn cần phải tuyên truyền nhiều. Hiện, xã đang thành lập tổ thu gom rác và giao cho các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới toàn thể nhân dân.
Tương tự như vậy, xã Cát Nê mặc dù đã quy hoạch 2 điểm thu gom rác tại xóm Đình và xóm Nông Trường, nhưng đến nay vẫn chưa giải phóng được mặt bằng. Hiện nay, để giải quyết tình trạng vứt rác thải bừa bãi, xã phát động vào ngày 25 hằng tháng, toàn dân tham gia vệ sinh môi trường, phát quang đường làng ngõ xóm, thu gom rác thải và tự xử lý.
Ngoài các xã trên, trên địa bàn huyện Đại Từ còn nhiều xã chưa có điểm tập kết rác thải hoặc bãi chứa rác thải. Phần lớn bao bì hóa chất bảo vệ thực vật chưa được thu gom và xử lý, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Một số hố chứa bao bì hóa chất bảo vệ thực vật được xây dựng chưa phù hợp quy hoạch nông thôn mới, chưa phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, còn khoảng 50% các cơ sở chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, tiểu thủ công nghiệp chưa có cam kết bảo vệ môi trường (nay là kế hoạch bảo vệ môi trường) hoặc đề án bảo vệ môi trường. Rác thải tại một số cơ sở y tế chưa được xử lý theo quy định. Hệ thống thoát nước thải tại khu vực trung tâm huyện và dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đã được đầu tư xây dựng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu đồng bộ. Công tác quản lý và triển khai thực hiện xây dựng nghĩa trang nhân dân theo quy hoạch nông thôn mới còn hạn chế. Bởi thế nên, tiêu chí môi trường đang là bài toán khiến các địa phương đau đầu, là rào cản trên đường về đích nông thôn mới.
Đại Từ là địa bàn rộng, dân cư đông, có nhiều trang trại chăn nuôi, do vậy sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, nổi cộm trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường. Đây là những khó khăn, thách thức lớn đòi hỏi sự nỗ lực và quyêt tâm cao hơn nữa của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường. Để giải bài toán về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, huyện đã xác định rõ nhiệm vụ và đề ra các giải pháp, trong đó huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, các đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Phân công nhiệm vụ cho các ngành, các cấp, các tổ chức, doanh nghiệp, chủ động xây dựng và phối hợp tổ chức thực hiện, gắn mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường vào các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường đến các tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân với nhiều hình thức phong phú và phương pháp phù hợp. Qua đó, nâng cao nhận thức về trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của các ngành, các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội và nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt công tác thu gom, xử lý đối với từng loại rác thải, chất thải như: rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải y tế…