Ngành Tòa án đẩy mạnh cải cách hành chính

08:23, 25/04/2017

Cải cách thủ tục hành chính tư pháp (TTHCTP) nhằm nâng cao hiệu quả công tác, công khai minh bạch các hoạt động của toà án, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi có công việc tại toà án. Thực hiện mục tiêu này, những năm qua, TAND hai cấp của tỉnh đã có nhiều nỗ lực, đem lại kết quả bước đầu.

Một trong những yêu cầu mà Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” đề ra là “Đổi mới thủ tục hành chính trong các cơ quan tư pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý. Người dân chỉ nộp đơn, Tòa án có trách nhiệm nhận và thụ lý đơn”. Theo đó, cải cách TTHCTP tập trung vào việc đổi mới các quy trình, thủ tục mang tính chất hành chính hỗ trợ cho hoạt động xét xử tại tòa; giải quyết các yêu cầu của công dân trước và sau các phiên tòa và hoạt động quản lý điều hành của lãnh đạo tòa án các cấp; tiếp nhận và xử lý công văn, đơn khởi kiện, kháng cáo, kháng nghị do viện kiểm sát chuyển đến…Trước yêu cầu trên, TAND tối cao đã triển khai thí điểm mô hình “CCHCTP một cửa” tại một số tỉnh, thành. Đặc biệt, để cụ thể hóa mục tiêu CCHCTP, các địa phương trên đã thành lập tổ HCTP của tòa. Mô hình này đã khẳng định được tính ưu việt.

 

Tại Thái Nguyên, mặc dù đến nay TAND hai cấp chưa thành lập các tổ hành chính tư pháp nhưng công tác cải cách TTHCTP luôn được quan tâm, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh án TAND T.P Thái Nguyên cho biết: Từ nhiều năm nay, TAND T.P Thái Nguyên đã bố trí cán bộ có trình độ, năng lực làm việc tại phòng tiếp dân và tiếp nhận đơn khởi kiện, giải quyết khiếu nại tố cáo. Từ khi trụ sở mới được xây dựng xong, phòng làm việc này được bố trí ngay tại cổng ra vào cơ quan nên càng thuận lợi hơn cho người dân.

 

Người làm công việc thường trực của TAND T.P Thái Nguyên nhiều năm nay là ông Triệu Tiến Hồng. Trao đổi với chúng tôi, ông sẵn sàng cung cấp đầy đủ số liệu của từng lĩnh vực mà mình đã được tiếp nhận, hướng dẫn… Ông cho biết, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận trên 400 đơn các loại, con số này của năm 2016 là trên 1.700 ngoài ra còn tiếp nhận các tài liệu tố tụng cùng với hằng trăm hồ sơ tố tụng và thi hành án. Mỗi người đến thưa kiện đều có thái độ, tâm trạng cùng sự việc khác nhau, thậm chí nhiều người trút hết cả nỗi bức xúc “lên đầu” người tiếp nhận đơn nhưng khi được giải thích, hướng dẫn họ thông hiểu, có người còn xin lỗi và cảm ơn, trái ngược với thái độ trước đó.

 

Còn ông Bùi Đức Thuận, Chánh án TAND huyện Đồng Hỷ cho biết: Hiện nay, TAND huyện Đồng Hỷ có 16 người (trong đó chỉ có 13 biên chế) và chỉ có 5 thẩm phán. Hằng năm, mỗi thẩm phán phải giải quyết số lượng án rất cao, trung bình 80 vụ/năm chưa kể phải giải quyết các công việc khác như: xét miễn giảm thi hành án dân sự; áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại tòa; xét miễn giảm thời gian thử thách đối với án treo… Nếu thành lập tổ HCTP thì rất tốt nhưng cần được bố trí thêm người. Bởi vậy, thực hiện việc CCHCTP, đơn vị đã vận dụng bằng cách gắn trách nhiệm đối với mỗi thẩm phán, nhất là đồng chí Phó chánh án phụ trách và bộ phận tiếp nhận đơn từ đầu. Khi có công dân đến làm việc, nộp đơn, người tiếp nhận phải hướng dẫn họ các trình tự, thủ tục hồ sơ ngay từ đầu để giảm bớt việc đi lại. Đối với vụ việc phức tạp phải báo cáo lãnh đạo hoặc thẩm phán phụ trách để tiếp, hướng dẫn công dân. Tính từ khi nhận đơn đến khi giải quyết xong, có kết quả xét xử, người tiếp nhận phải vào sổ theo dõi đầy đủ. Đây cũng là giải pháp mà hầu hết các đơn vị TAND cấp huyện của tỉnh áp dụng trong CCHCTP.

 

Đối với TAND tỉnh, để thực hiện theo Quyết định 345, ngày 7-4-2016 của TAND tối cao về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc trong TAND các cấp, TAND tỉnh đã thành lập bộ máy giúp việc gồm: Văn phòng; Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và thi hành án; Phòng Tổ chức cán bộ, thanh tra và Thi đua khen thưởng. Trong đó, có bộ phận hành chính tư pháp (trực thuộc Văn phòng) làm đầu mối tiếp nhận đơn thư, giải quyết khiếu nại tố cáo và tham mưu trực tiếp cho Chánh án.

 

Theo ông Lê Huy Bắc, Chánh Văn phòng TAND tỉnh, hiện nay, đơn vị đang tiến hành cải tạo cơ sở để chuẩn bị phòng làm việc cho Bộ phận hành chính tư pháp (dự kiến đưa vào hoạt động từ tháng 6-2017). Tại đây, TAND sẽ cử 4 cán bộ có trình độ, năng lực làm nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân khi họ đến làm việc tại Tòa. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực: tiếp nhận và xử lý công văn, đơn khởi kiện, hồ sơ kháng cáo, kháng nghị, hồ sơ do viện kiểm sát chuyển đến, đơn khiếu nại quyết định tố tụng, hành vi tố tụng, đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; cấp sao lục bản án, quyết định của toà án; quản lý số lượng án thụ lý, giải quyết; tiếp công dân. Như vậy, đây được coi là bộ phận “một cửa” của TAND tỉnh, giúp người dân có được điều kiện thuận lợi nhất khi đến làm việc tại Tòa.

 

Có thể nói, mặc dù còn nhiều khó khăn như: biên chế ít, số lượng án nhiều và ngày càng phức tạp, cơ sở vật chất thiếu thốn… nhưng công tác cải cách TTHCTP luôn được TAND 2 cấp của tỉnh quan tâm thực hiện khá hiệu quả. Một trong những biểu hiện rõ nhất là mặc dù hằng năm, TAND các cấp của tỉnh tiếp nhận và thụ lý trên 4.800 vụ án các loại nhưng tỷ lệ giải quyết, xét xử các loại án vẫn đạt trên 96%. Chất lượng giải quyết các bản án ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ bản án, quyết định bị sửa, hủy do lỗi chủ quan thấp dưới mức quy định của TAND tối cao, không có án để quá thời hạn giải quyết do lỗi chủ quan. Công tác tiếp nhận, xem xét và xử lý đơn khởi kiện được các đơn vị thực hiện nhanh gọn, kịp thời tùy theo yêu cầu, nội dung yêu cầu của từng loại đơn, đối tượng…