Nghe tướng về hưu kể chuyện

17:57, 07/04/2017

“Suốt cả hành trình cầm súng kháng chiến hết mặt trận này đến mặt trận khác như Kon Tum, Tây Ninh, Buôn Ma Thuột… nhưng kỷ niệm về trận đánh 152 ngày đêm chiến đấu ở Tàu Ô - Xóm Ruộng thuộc chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 đến nay tôi vẫn không thể nào quên. Với tôi, đó là ký ức oai hùng nhất nhưng cũng đầy đau thương trong cuộc đời quân ngũ của mình...” Đó là lời tâm sự của Thiếu tướng Nông Ngọc Toản, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu I, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Thái với chúng tôi trong những ngày tháng Tư lịch sử.

 Trước khi nghỉ hưu năm 2006, ông Toản đã trải qua nhiều chức vụ như: Tham mưu trưởng, Sư đoàn phó Sư đoàn 322 (Cao Bằng), tham gia lãnh đạo Quân đoàn 14 – Chi Lăng (Lạng Sơn), là Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Thái, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Thái, Phó Tư lệnh Quân khu 1. Năm 1994, ông được phong quân hàm Thiếu tướng. Hiện nay, ông sống cùng gia đình ở tổ 23, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên). Năm 2016, ông vừa được nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Thiếu tướng Nông Ngọc Toản, sinh năm 1940 ở xã Thị Ngân, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Năm 1958, ông là Bí thư Đoàn xã kiêm Văn phòng UBND xã Thị Ngân. Hai năm sau, ông được cử đi học Trung cấp Thủy lợi Bắc Thái sau đó về công tác tại Ty Thủy lợi Cao Bằng. Năm 1964, với nhiệt huyết của trái tim tuổi trẻ, ông đã viết đơn tự nguyện gia nhập quân đội, vào Nam chiến đấu. Sau nhiều tháng huấn luyện, ông được bố trí vào Trung đoàn 209. Thời gian này, do có nhiều thành tích tốt mà ông đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng, được phong quân hàm Thiếu úy, là đại đội phó một đại đội. Cùng Trung đoàn hành quân vào Kon Tum năm 1968, ông và các chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ đầu tiên là đánh địch ở chiến trường miền Nam ác liệt.

 

Năm nay đã 78 tuổi nhưng sức khỏe vị tướng già vẫn tốt đặc biệt là trí nhớ rất minh mẫn. Trong câu chuyện kể với chúng tôi về trận đánh 152 ngày đêm năm 1972 thuộc Chiến dịch Nguyễn Huệ, ông rưng rưng xúc động: Tàu Ô – Xóm Ruộng (thuộc vùng giải phóng Lộc Ninh) là tuyến bàn đạp cực kỳ quan trọng của ta, nếu giữ được, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta phát triển tấn công xuống trung tuyến; nếu mất, địch sẽ có cơ hội chiếm lại các tỉnh Lộc Ninh, Tây Ninh, Bình Long, Bình Phước.

 

Trước tình hình đó, Sư đoàn 7 trong đó có Trung đoàn 209 (ông Nông Ngọc Toản là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 209) được giao nhiệm vụ đánh quân tiếp viện của địch từ Sài Gòn lên nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị bạn tiến công các mục tiêu trên. Khu vực chốt chặn của Sư đoàn chủ yếu ở đoạn đường 13, từ Tàu Ô đến Xóm Ruộng. Trên đoạn đường này, Sư đoàn đã xây dựng các tuyến chốt chặn chiến đấu, mỗi đại đội là một cụm chốt, cơ động hỗ trợ cho nhau, mỗi tiểu đoàn là một vùng chốt có nhiều tầng, lớp liên hoàn ở hai bên đường. Trong đó, Tiểu đoàn 8 do ông Toản chỉ huy là lực lượng cơ động đánh địch.

 

Ông Toản kể tiếp: Có những lúc cao điểm, khu vực này thành “túi bom” khi địch ném bom trên 150 lần/ngày. Mỗi nắm đất Tàu Ô, Xóm Ruộng khi đó đều lợn cợn đầy vỏ đạn. Trận đánh càng về giai đoạn cuối (từ tháng 6 trở đi) càng ác liệt bởi hỏa lực bộ binh của ta chọi với xe bọc thép, xe tăng của địch. Mặt đất tơi tả, lồi lõm sình lầy, nhất là vào mùa mưa (tháng 7, 8) công sự nào cũng ngập nước, hố bom, pháo chi chít quanh các trận địa. Vậy nhưng tôi và các chiến sĩ cùng nhân dân, lực lượng vũ trang địa phương luôn kề vai sát cánh, ngày đêm đắp chốt, đào hầm xây dựng Tàu Ô - Xóm Ruộng trở thành “lũy thép” với quyết tâm: “Chốt cứng, chặn đứng, không cho một chiếc xe, một tên địch vượt qua”.

 

Qua hồi ức của vị tướng già, tôi hình dung ra một trận địa Tàu Ô – Xóm Ruộng ác liệt. Có thể nói, so với chiến dịch Điện Biên Phủ ta đánh địch liên tục 56 ngày đêm thì 152 ngày đêm quân ta chiến đấu với quân ngụy ở Tàu Ô - Xóm Ruộng cũng gian khổ và ác liệt không kém.

 

-  Chiến trận ác liệt như vậy, bên ta chắc là cũng có nhiều thương vong đúng không ông? – Tôi hỏi.

-  Đúng vậy, cứ mỗi hôm, số người chết do anh em báo lên lại nhiều hơn. Vậy nhưng chúng tôi vẫn kiên cường bám chốt, sẻ chia lương thực cho nhau, động viên rằng sắp anh em sắp sửa hành quân sang Tây đường (vùng giải phóng) rồi.

- Chắc địch phải khiếp sợ lắm trước tinh thần chiến đấu của quân và dân ta suốt 5 tháng trời liên tục phải không ạ?

-  Có ở hoàn cảnh ấy mới thấm thía, mới hiểu được chính ý chí kiên cường, dũng cảm, Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của chiến sĩ ta đã thắng bom tấn, pháo bầy, B52 rải thảm của địch cháu ạ!

 

Ông Toản chợt dừng lời như quá xúc động, sau đó cười và nói thêm: Chính Trung tướng Quân đội ngụy Sài Gòn Nguyễn Vĩnh Nghi, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 21 ngụy sau này viết trong Hồi ký về trận đánh Tàu Ô – Xóm Ruộng cũng thể hiện sự ngạc nhiên tột độ trước tinh thần dũng cảm, kiên cường của những người lính giải phóng: “Mặt đất Tàu Ô bị bắn phá còn loang lổ, ghê gớm hơn cả hình ảnh Mặt trăng, nơi phi hành đoàn Hoa Kỳ đã chụp được. Tôi không hiểu sao cộng sản lại sống được ở đó, để rồi chặn được tất cả các cuộc tiến công!”

 

Nhờ có sự chỉ huy của lãnh đạo Trung đoàn 209, trong đó có ông Nông Ngọc Toản, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 mà quân ta đã xây dựng và bám trận địa vững chắc. Với việc linh hoạt đánh nhiều kiểu, nhiều hướng khiến địch trở tay không kịp mà ta đã dựng lên “bức tường thép” trên đường 13, không cho quân ngụy tái chiếm vùng giải phóng Lộc Ninh. Thành công đó đã dựng lên một vùng giải phóng rộng ở phía Bắc Sài Gòn, góp phần cho sự chuẩn bị mở Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 để giải phóng hoàn toàn miền Nam.

 

Cuối tháng 8-1972, kết thúc Chiến dịch, Sư đoàn 7 được Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền trao Cờ thưởng luân lưu Quyết chiến, Quyết thắng: “Quân và dân miền Đông Nam bộ anh dũng đã biến con đường này thành một con đường sấm sét và máu lửa của Mỹ, Ngụy, đã gieo khiếp sợ cho kẻ thù và làm kinh ngạc cả thế giới”. Còn Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam thì trao tặng danh hiệu: Tiểu đoàn 7 là “pháo đài thép”, Tiểu đoàn 8 do ông Nông Ngọc Toản chỉ huy là “cánh cửa thép phía Đông”, Tiểu đoàn 9 là “mũi dao thép”. Cá nhân ông Toản được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba, được bổ nhiệm là Tham mưu trưởng Trung đoàn 209.

 

3 năm trước, ông Toản cùng một số đồng đội đã có chuyến đi thăm lại chiến trường xưa. Ông bảo: Địa danh Tàu Ô – Xóm Ruộng nay đã trở thành di tích lịch sử nổi tiếng ở miền Đông Nam Bộ. Nơi đây được xây dựng một hệ thống tượng đài chiến thắng, bia tưởng niệm hơn 1.000 Anh hùng liệt sĩ và hàng nghìn người dân đã ngã xuống trong chiến dịch phòng ngự 152 ngày đêm đẫm máu và nước mắt của quân và dân ta (từ tháng 4 đến tháng 8-1972) để giữ vững trận địa, chặn bước tiến của địch trên đường 13 về An Lộc.

 

Sau trận ở Tàu Ô - Xóm ruộng, ông Toàn cùng Trung đoàn còn tham gia nhiều trận đánh của ta ở Nam Dầu Tiến, Định Quán (Đồng Nai), Lâm Đồng… và Chiến dịch mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam. Kết thúc chiến tranh, ở Sài Gòn hơn một tháng ông Toản mới dám viết thư về cho gia đình báo tin mình vẫn còn sống sau 10 năm vào Nam chiến đấu biền biệt. Khi rời xa vợ, ông mới có một con trai đầu lòng là Nông Quốc Xoóng, sinh năm 1961. Giải phóng rồi, chưa trở về gia đình ngay, ông lại nhận lệnh của cấp trên đi học tại Học viện Quân sự cấp cao ở Đà Lạt đến năm 1980 mới trở về đoàn tụ cùng gia đình và có thêm người con thứ hai.