Người khuyết tật khó khăn tiếp cận công trình công cộng

08:00, 18/04/2017

Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, T.P Thái Nguyên hiện có khoảng 4.000 người khuyết tật (NKT). Trong đó NKT vận động chiếm trên 50%. Thế nhưng, ở hầu hết các công trình công cộng, giao thông, trụ sở làm việc trên địa bàn vẫn còn thiếu công trình phụ trợ dành cho NKT. Điều này khiến NKT gặp không ít khó khăn trong sự phát triển và hòa nhập với cộng đồng.

Theo khảo sát của chúng tôi, tại các trạm dừng xe buýt trên đường Lương Ngọc Quyến, Hoàng Văn Thụ, Cách mạng Tháng Tám… đều chưa có đường dẫn xe lăn cho NKT lên khu vực ngồi chờ xe buýt. Theo chị Nguyễn Thị Hà (xóm Cây Xanh, xã Quyết Thắng): “NKT phải sử dụng xe lăn như tôi thường gặp khó khăn nếu muốn di chuyển bằng các phương tiện xe buýt. Vì tại các trạm xe buýt không có lối dẫn lên dành cho NKT và không có phương tiện hỗ trợ lên xe. Để lên được xe buýt, chúng tôi phải nhờ đến sự trợ giúp của hành khách đi cùng hoặc phụ xe. Thế nhưng, nhiều tài xế vẫn còn tâm lý phân biệt nên tìm cách từ chối NKT với lý do làm mất thời gian di chuyển”.

 

Còn anh Trần Văn Tuấn - NKT ở tổ 11, phường Cam Giá, cho biết: Từ lâu rồi, tôi đã không dám đi xe buýt. Bởi xe buýt thường đón trả hành khách rất nhanh, trong khi thao tác lên xuống xe của NKT vốn đã khó khăn lại không được trang bị các phương tiện phụ trợ lên xe, chưa kể cửa ra vào hẹp, gầm xe cao, không có tay vịn. Khó khăn trên khiến nhiều NKT phải từ chối sử dụng loại hình phương tiện cộng cộng này.

 

Ngoài xe buýt, NKT còn gặp trở ngại trong tiếp cận các công trình công cộng. Dễ thấy nhất là các công trình thuộc khu vực trung tâm thành phố như, Trung tâm văn hóa tỉnh, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam… đều chưa có đường dành cho NKT. Do đó, nhu cầu thăm quan du lịch, vui chơi, giải trí của NKT có phần bị hạn chế hơn so với người bình thường. Anh Phan Văn Nam, NKT ở tổ 20, phường Quang Trung cho biết thêm: Hiện nay, trong số các công trình công cộng tại thành phố thì Chợ Thái, Trung tâm Dịch vụ và Thi đấu thể thao tỉnh có xây dựng đường đi riêng dành cho NKT. Thế nhưng, vài năm gần đây, đường đi cho NKT ở Chợ Thái đã bị ngăn lại. Khi chúng tôi thắc mắc thì Ban Quản lý chợ cho biết, do chưa xây dựng được quy định và đặt biển báo hướng dẫn đi dành riêng cho NKT.

 

Bên cạnh đó, NKT thành phố còn đang gặp khó khăn khi tiếp cận với trụ sở UBND nhà văn hóa và trung tâm học tập cộng đồng tại nơi sinh sống... Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay, phường Phan Đình Phùng, xã Tân Cương và xã Thịnh Đức là những địa phương có đường dành cho NKT vào trụ sở UBND. Còn phần lớn các địa phương đều chưa xây dựng hoặc chưa cải tạo đường đi cho NKT. Theo anh Lương Tuấn Anh, NKT ở tổ 1, phường Đồng Quang: “Mỗi khi cần đến ở UBND, tôi cảm thấy rất ngại vì trụ sở không có lối đi dành cho NKT vào các phòng, ban. Ví dụ đi nhận tiền trợ cấp, NKT thường không thể tự mình điều khiển xe lăn lên tầng 2 để lĩnh, đành phải viết giấy ủy quyền nhờ người nhà nhận hộ. Chưa kể, nếu muốn gặp trực tiếp cán bộ để giải đáp thắc mắc lại phải nhờ đến sự trợ giúp người khác”.

 

Ông Phạm Gia Lộc, Chủ tịch Hội NKT T.P Thái Nguyên cho biết: Cũng như mọi người, NKT cũng có thói quen và nhu cầu tham gia vào các hoạt động xã hội thông qua các công trình công cộng. Điều này khẳng định rõ hơn khi Luật NKT đã quy định các công trình công cộng phải đảm bảo điều kiện tiếp cận đối với NKT như nhà ga, bến xe, trụ sở cơ quan… Tuy nhiên, thực tế hiện nay, NKT ở thành phố nói riêng và của cả tỉnh nói chung đều chưa thể độc lập tiếp cận các công trình công cộng. Nguyên nhân là do một số cấp, ngành, đơn vị thiết kế và xây dựng công trình chưa nhận thức rõ và quan tâm đến NKT. Các công trình chưa thiết kế theo hướng quy hoạch đô thị bền vững và tạo điều kiện cho NKT tham gia. Rào cản này đang hạn chế sự phát triển và tạo sự công bằng trong hòa nhập cộng đồng đối với NKT hiện nay.