Người trưởng xóm uy tín

08:33, 11/04/2017

Ông Bàng Văn Dướng, dân tộc Nùng, không chỉ là một Trưởng xóm năng động mà còn là người có uy tín tiêu biểu của xóm Làng Vàng, xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên). Năm 2016, ông vinh dự là một trong 9 người có uy tín ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc.

Năm 2002, ông Dướng được bà con tin tưởng bầu làm Trưởng xóm. Đây là xóm có hơn 90% số hộ dân là đồng bào dân tộc Nùng từ Lạng Sơn về định cư. Sau nhiều nỗ lực, năm 2011, ông Dướng được chính quyền địa phương và người dân trong xóm lựa chọn là người có uy tín trong cộng đồng.

 

Ông cho hay: Để trở thành người có uy tín, được bà con tin yêu thì trước hết mình phải gương mẫu đi đầu, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền để người dân cùng làm theo. Vừa là Trưởng xóm, vừa là người có uy tín, ông như một “chiếc cầu” bắc nhịp đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với bà con nhanh hơn. Năm 2016, 65 trong tổng số 73 hộ dân trong xóm đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.

 

Cùng với việc làm tốt công tác tuyên truyền, ông luôn tích cực đi đầu trong mọi phong trào ở địa phương. Đơn cử như trong phát triển kinh tế, ông đã mạnh dạn đưa các giống lúa lai vào gieo cấy. Ông chia sẻ: Khoảng 10 năm trước, người dân trong xóm chưa tin tưởng gieo cấy các giống lúa lai. Tuy nhiên, sau khi thấy gia đình tôi gieo cấy lúa lai cho năng suất cao, chất lượng gạo ngon, bà con đã đồng loạt làm theo. Hiện nay, năng suất lúa ở Làng Vàng đã đạt 1,8 đến 2 tạ/sào (cao hơn 5 năm trước từ 60-80kg/sào).

 

Hay như việc gia đình ông đưa giống táo Đài Loan vào trồng đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Chỉ riêng dịp Tết Nguyên đán vừa qua, 40 cây táo của gia đình ông cho thu khoảng 1 tấn táo, mang lại thu nhập 15 triệu đồng. Từ những thành công của ông, nhiều hộ dân trong xóm cũng đã bắt đầu trồng giống táo này.

 

Theo chia sẻ của ông, ở nơi đời sống còn nhiều khó khăn như Làng Vàng, không được bà con tin tưởng, không có uy tín thì mọi việc của xóm khó có thể thành công. Ông nhớ lại: Năm 2005, Làng Vàng chưa có Nhà văn hóa. Lúc đó, hơn 50% số hộ trong xóm thuộc diện hộ nghèo. Nếu vận động các hộ này đóng tiền làm Nhà văn hóa sẽ rất khó khăn. Bởi vậy, tôi đã họp xóm và thống nhất với bà con: Những hộ nghèo không có tiền để quyên góp thì có thể đóng góp ngày công lao động. Nghe có tình, có lý nên những nhà có điều kiện kinh tế khá hơn vui vẻ đóng tiền, còn hộ nghèo góp công, góp sức. Nhờ đó, Nhà văn hóa đã được xây dựng.

 

Hoặc là việc vận động giúp các hộ nghèo xóa nhà dột nát cũng khiến ông phải suy nghĩ rất nhiều. Hoàn cảnh của các gia đình có nhà dột nát rất khó khăn, nhiều hộ không có tiền đối ứng với Nhà nước làm nhà. Để giúp họ, ông đến từng nhà dân vận động. Ông bảo: Đồng bào mình thật thà, chất phác, luôn sống thẳng, nói thẳng và nghe thấy vừa cái tai thì mới làm theo. Do đó, khi vận động bà con trong xóm giúp các hộ đặc biệt khó khăn xóa nhà dột nát, tôi đã chia sẻ và động viên vì biết cuộc sống của bà con vẫn còn chưa được dư giả. Nhưng tôi cũng mong bà con giúp đỡ theo tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều”…

 

Nói phải củ cải cũng nghe nên các hộ dân trong xóm đã vui vẻ đóng góp tiền và ngày công lao động, giúp các hộ đặc biệt khó khăn xây được ngôi nhà mới. Nhờ đó, đến năm 2006, xóm Làng Vàng đã xóa được nhà dột nát. Trong đó, có 2 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là gia đình bà Hứa Thị Loan, chồng mất sớm, một mình phải nuôi con mang bệnh hiểm nghèo và bà Nguyễn Thị Thanh phải kiếm tiền nuôi chồng con, mẹ già ốm yếu.

 

Bằng uy tín của mình, ông Dướng cũng đã vận động được bà con làm đường bê tông. Ông cho biết: Năm 2013, khi các xóm khác của xã Cao Ngạn đều đã có đường bê tông thuận lợi, xóm Làng Vàng vẫn là đường đất đỏ. Đến khi Nhà nước hỗ trợ xi măng thì bà con lại không mặn mà với việc làm đường do xóm có 300 nhân khẩu, mỗi người phải đóng đến 1,5 triệu đồng để làm đường. Các hộ dân đều làm nghề sản xuất nông nghiệp nên đối với họ đây là một khoản tiền không hề nhỏ. Bởi vậy, một tuyến đường chỉ dài 2km nhưng chúng tôi phải tổ chức họp xóm đến 15 lần.

 

Để người dân thông suốt, ông nói với bà con rằng Nhà nước đã hỗ trợ xi măng nếu xóm mình không quyết tâm làm thì sẽ bị thiệt thòi hơn những xóm khác. Rồi ông đưa bà con đi thăm các xóm đã có đường bê tông phủ kín như Gò Chè, Thác Lở, xóm Vải… Sau đó, ông bàn với bà con làm đường ở trục chính để mọi người đi trước rồi sau đó làm các đường nhánh. Khi thấy hiệu quả của việc làm đường bê tông, các hộ dân đều quyên góp tiền và hiến trên 2.000m2 đất cho xóm làm đường. Năm 2014, cả xóm đã hoàn thành đưa vào sử dụng 11 tuyến đường.

 

Ông Dướng rất vui vì đã góp một phần công sức nhỏ bé của mình xây dựng quê hương. Tuy nhiên, ông vẫn luôn trăn trở khi ngôn ngữ của dân tộc Nùng ở đất Làng Vàng này đang dần bị mai một. Hiện nay, rất ít thế hệ con cháu trong xóm biết tiếng dân tộc. Bởi vậy, ông rất muốn tuyên truyền để bà con có ý thức lưu giữ ngôn ngữ của dân tộc mình. Riêng với gia đình mình, ông đã giáo dục 2 con trai, con dâu, cháu của mình luôn giao tiếp với nhau bằng tiếng Nùng…

 

Trò chuyện cùng ông Dướng, chúng tôi cảm nhận được ở ông sự tận tâm với công việc, đúng theo tư tưởng của Bác Hồ về các cán bộ làm công tác dân vận “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Với những đóng góp tích cực của mình, ông đã nhiều lần được các cấp, các ngành tặng Bằng khen, Giấy khen vì hoàn thành xuất sắc công tác dân vận, vì sự nghiệp phát triển các dân tộc.