Nông dân chung sức xây dựng nông thôn mới

08:10, 06/04/2017

Những năm qua, các cấp Hội nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân phát huy vai trò chủ thể, cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Qua đó, nhiều nông dân đã tích cực hưởng ứng bằng việc hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động làm các công trình dân sinh…

Trước kia, người dân ở hai xóm Đèo Khế và Thống Nhất (Khe Mo, Đồng Hỷ) phải dựng những cây cầu tre, gỗ tạm bợ bắc qua lòng sông để đi trung tâm xã hay các xóm lân cận. Nhưng cứ đến mùa mưa lũ là cầu tạm lại gãy đổ, xóm bị cô lập, trẻ em phải nghỉ học... Đầu năm 2016, sau khi có chủ trương xây dựng cầu bê tông kiên cố của Nhà nước, các hộ nông dân nằm trong khu vực đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất, đóng góp hàng trăm ngày công lao động tham gia xây dựng công trình. Gia đình ông Lý Văn Thơ, xóm Đèo Khế, là một trong những hộ nông dân tiên phong hiến đất, cho biết: “Gia đình tôi cũng như đa phần người dân ở đây chủ yếu làm nông nghiệp, cuộc sống còn khó khăn nên việc đóng góp để xây dựng một cây cầu kiên cố, vững chắc là điều không dễ. Bởi vậy, khi được cán bộ Hội Nông dân xã đến vận động, gia đình tôi đã tình nguyện hiến trên 400m2 đất, phá bỏ vườn cây để góp phần thực hiện công trình”.

 

Để nhanh chóng có được cây cầu, nhân dân tại địa phương cũng đã hăng hái đóng góp nhiều ngày công tham gia giải phóng mặt bằng, vận chuyển vật liệu xây dựng... Vì vậy, chỉ sau hơn 3 tháng, cầu cứng qua sông Long Giàn đã được hoàn thành. Cây cầu có tổng chiều dài 130m, chiều rộng nền đường 5m, chiều rộng mặt đường 3,5m, thiết kế theo yêu cầu đạt chuẩn nông thôn mới với kinh phí trên 2,4 tỷ đồng. Cây cầu mới đã góp phần thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây.

 

Sau nhiều năm tháng mong mỏi, cuối năm 2016, người dân xã vùng cao Liên Minh và Tràng Xá (Võ Nhai) vui mừng đón nhận chủ trương của huyện xây dựng đường bê tông nối giữa hai xã. Tuyến đường dài gần 6km bấy lâu nay là đường đất gập ghềnh, hiểm trở, bụi bẩn khi trời nắng, lầy lội, trơn trượt lúc mưa. Ông Nguyễn Xuân Liền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Liên Minh cho biết: “Đường được xây mới, mở rộng nên đã ảnh hưởng tới đất và các công trình của nhiều hộ nông dân trong xã. Trước khi triển khai, chúng tôi đã thực hiện công tác tuyên truyền, vận động tới từng nhà. Hiểu được việc làm đường mang lại nhiều lợi ích người dân địa phương, đa phần các gia đình hội viên đều nhiệt tình hưởng ứng, tự nguyện hiến đất, tháo dỡ các công trình. Trong đó, đáng ghi nhận nhất là các hộ nông dân ở xóm Khuôn Nang, mặc dù cuộc sống còn gặp khó khăn, việc hiến đất ảnh hưởng nhiều đến kinh tế gia đình nhưng đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất để làm đường”.

 

Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, Hội nông dân các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh vận động hội viên phát huy vai trò chủ thể, tích cực, tham gia bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Các cấp Hội đã dựa trên nhu cầu thực tiễn, thế mạnh của từng địa phương để tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân đóng góp tiền của, công sức để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Tính đến nay, hội viên nông dân toàn tỉnh đã hiến trên 100.000m2 đất, đóng góp hơn 34.000 ngày công lao động; làm mới, sửa chữa 160km đường giao thông liên thôn, liên xóm; kiên cố hóa, sửa chữa trên 100 km kênh mương nội đồng; làm mới, sửa chữa 100 cầu, cống; tham gia xây dựng mới và sửa chữa 441 công trình khác. Tổng số tiền do nông dân đóng góp là trên 84 tỷ đồng.

 

Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh cũng chú trọng việc tạo các nguồn lực phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân. Thông qua nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội đã triển khai 55 dự án cho 677 hộ vay vốn, với tổng số vốn quản lý là trên 19,5 tỷ. Các cấp Hội trong tỉnh nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội tổng dư nợ trên 806 tỷ đồng cho gần 28.000 hộ hội viên vay, với 954 tổ vay vốn và tiết kiệm. Hội cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật tới đông đảo hội viên, nông dân về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, bảo quản nông sản sau thu hoạch, bảo vệ thực vật… Trong năm 2016, có trên 98.000 lượt hội viên, nông dân được tham gia các hoạt động nâng cao kỹ thuật, trình độ canh tác sản xuất.

 

Có thể nói, phong trào nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới không chỉ tạo tinh thần đoàn kết mà còn phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, hội viên nông dân trong toàn tỉnh nhằm xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.