Theo ý kiến của các bác sỹ chuyên ngành, rất khó để có thể tổng quát hoá các đặc điểm của tự kỷ. Tuy vậy, bệnh thường khởi phát sớm trong 3 năm đầu tiên của cuộc đời và có nhiều mức độ từ nặng đến nhẹ. Tự kỷ tác động đến sự phát triển của trẻ ở 3 lĩnh vực chính: giao tiếp xã hội, ngôn ngữ, hành vi. Tự kỷ là một rối loạn mãn tính ảnh hưởng nghiêm trọng đến trí tuệ và hành vi cũng như khả năng học tập, sinh hoạt và khả năng thích ứng của trẻ sau này.
Trong những năm gần đây, khoa học đã chỉ ra rằng tự kỷ có cơ sở di truyền. Việc sinh con khi lớn tuổi cũng làm tăng nguy cơ mắc chứng tự kỷ ở trẻ. Bên cạnh đó, các yếu tố khác như ô nhiễm không khí, thiếu hụt vitamin D, nhiễm kim loại nặng và tiếp xúc với một số bệnh nhiễm trùng trong thời kỳ mang thai đều gây ra nguy cơ cao về bệnh tự kỷ.
Để phát hiện sớm các dấu hiệu của trẻ tự kỷ, các chuyên gia khuyến cáo các bậc phụ huynh cần quan tâm tới mốc phát triển của con trong từng giai đoạn từ khi trẻ được sinh ra. Vì trẻ tự kỷ thường không đạt được các kỹ năng phát triển theo mốc phát triển thông thường. Bên cạnh đó, trẻ tự kỷ thường thích chơi một mình, không thích giao tiếp, tương tác với những người xung quanh, không bao giờ giao tiếp bằng mắt, nét mặt thường vô cảm hoặc có biểu hiện không phù hợp; trẻ thường có những hành động lặp đi lặp lại như: chỉ thích chơi hay quan tâm tới một món đồ chơi, chỉ thích ăn một vài món ăn nhất định ngày này qua ngày khác, thích những vật lấp lánh, quay tít; dễ buồn hay tức giận với những thay đổi nhỏ; có những chậm trễ về kỹ năng ngôn ngữ và lời nói...
Các chuyên gia cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh cũng cần chú ý tới trường hợp trẻ đang có sự phát triển hoàn toàn bình thường nhưng tự nhiên mất đi một số kỹ năng vốn có (kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng xã hội...). Cha mẹ khi phát hiện con có những dấu hiệu bất thường kể trên nên đưa trẻ đi khám sàng lọc phát triển càng sớm càng tốt.
Trên thực tế, nhiều cha mẹ đưa con đến khám nhưng khi được hỏi về thời điểm con biết nói, ngồi, cười...thì thường không nhớ nên rất khó đánh giá trẻ có bị tự kỷ hay không và bị tự kỷ ở mức độ nào. Vì vậy chuyên gia khuyến cáo các phụ huynh có con từ 0-2 tuổi nên thường xuyên đưa con đi khám kiểm tra sự phát triển; quay lại các hoạt động hàng ngày của con như ăn, chơi, ngủ... để làm tư liệu cung cấp cho chuyên gia khi cần để đánh giá chính xác.
Tự kỷ không có thuốc chữa cũng không có phương pháp điều trị hoàn toàn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nếu được phát hiện, can thiệp sớm (từ 0-3 tuổi) thì có thể cải thiện đáng kể sự phát triển cho trẻ. Tự kỷ là một hội chứng phức tạp cả về tâm thần, tâm lý, vận động nên cần phải tiến hành can thiệp sớm và điều trị lâu dài.