Say rượu là… bệnh lý tâm thần

17:54, 21/04/2017

Những ngày gần đây, câu chuyện ngộ độc rượu được nhiều người nhắc đến. Tuy nhiên, những trường hợp tử vong do ngộ độc rượu mới chỉ là phần nổi của việc mua bán và sử dụng rượu tràn lan. Phần còn lại là việc lạm dụng rượu, bia khiến sức khỏe tâm thần bị ảnh hưởng, mà triệu chứng thường gặp nhất là ảo giác, co giật, mê sảng… ảnh hưởng đến sức khoẻ và tâm lý người bệnh.

Trong năm 2016 và quý I-2017, Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương) đã kiểm tra 48 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, xử phạt 42 cơ sở vi phạm. Trong đó, xử lý tịch thu trên 700 chai rượu (đóng chai sản xuất trong nước không dán tem của các thương hiệu); 2.000 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ tập trung tại các địa bàn T.P Thái Nguyên, T.P Sông Công, huyện Phú Bình, Định Hóa, Đại Từ.    

Ở tuổi 50 nhưng ông L.V.T ở xã Thần Sa (Võ Nhai) đã có “thâm niên” hơn 30 năm uống rượu. Con rể ông T. cho biết: 10 năm trở lại đây, mỗi ngày, bố tôi uống đến 1,5 lít rượu. Vì uống rượu nhiều nên ông không thể lao động, ngày ngủ, đêm thức, tay chân run rẩy, thường xuyên nói năng luyên thuyên. Ngày 9-4, ông bị ngã tại nhà dẫn đến chấn động não nên gia đình phải đưa vào Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên điều trị.

 

Cũng giống như ông T., ông L.V.D ở thị trấn Đu (Phú Lương) mắc nhiều loại bệnh do hậu quả của lạm dụng rượu. Theo lời kể của người nhà, ông D. đã uống rượu từ nhiều năm nay nhưng 2 năm trở lại đây, ông uống ngày càng nhiều. Trung bình mỗi ngày, ông uống khoảng 1 lít rượu. Ngày đầu tiên đến điều trị tại Khoa Tâm Thần, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, ông D. bị chướng bụng, gan sưng to, huyết áp cao, tim đập nhanh, mê sảng.

 

Bác sĩ Chuyên khoa II Lê Thị Phước Bình, Trưởng khoa Tâm thần Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: Những trường hợp như ông T., ông D. không phải hiếm gặp. Trung bình mỗi tháng, Khoa tiếp nhận từ 30-40 bệnh nhân có các rối loạn tâm thần liên quan đến rượu, chiếm ½ số ca bệnh trong Khoa. Chỉ tính riêng năm 2016, Khoa đã tiếp nhận trên 350 bệnh nhân nhập viện do lạm dụng rượu, bia và ngộ độc rượu. Hầu hết các bệnh nhân này ở trong tình trạng ảo giác, co giật, mê sảng, nói năng luyên thuyên. Sau khi nhập viện và điều trị bệnh vài ngày, không được uống rượu, người bệnh bắt đầu có biểu hiện hội chứng cai, trong đó, mức độ nặng nhất là sảng rượu. Đây là một trạng thái lú lẫn ngộ độc ngắn, nhưng đôi khi đe dọa đến tính mạng bệnh nhân, kèm theo nhiều rối loạn cơ thể. Một số bệnh nhân thì nhập viện trong tình trạng rối loạn hoạt động tim mạch, rối loạn điện giải, rối loạn tâm thần hành vi kèm theo các loại bệnh như: lao phối, xơ gan, đái tháo đường… nên quy trình điều trị tương đối khó khăn.

 

Được biết, trong Bảng phân loại bệnh quốc tế ICT lần thứ 10, say rượu được xếp vào nhóm các rối loạn tâm thần liên quan đến việc sử dụng rượu. Trong đó, có các loại biểu hiện trong khi đang sử dụng rượu như: co giật, động kinh; rối loạn hành vi; hoang tưởng, ảo giác; say rượu cấp và các triệu chứng xuất hiện do cai rượu. Hậu quả có thể gây nguy hại đến tính mạng do tai nạn giao thông, có hành vi tấn công người khác, tự làm thương tổn bản thân… Ngoài ra còn có các hậu quả khác về mặt xã hội như: biến đổi nhân cách, lười lao động, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình và các mối quan hệ xã hội… Kết quả nghiên cứu cho thấy, khoảng 100.000 tế bào não sẽ bị giết chết khi con người uống một ly bia. Trong một cơn say rượu, số tế bào não chết đi có thể lên đến 10 triệu. Chất cồn vào cơ thể sẽ gây tác động rất lớn đến bộ não, hệ thần kinh, làm cho góc nhìn bị thu hẹp lại và khả năng phản ứng chậm đi, ảnh hưởng tới khả năng điều khiển hành vi.

 

Các bác sĩ khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe người dân nên hạn chế việc uống rượu, bia, từ bỏ ngay lập tức thói quen sử dụng rượu quá nhiều, không uống những loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, không sử dụng rượu, bia trong khi điều khiển phương tiện xe cơ giới, vận hành máy móc, có thai, điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có tình trạng bệnh lý mà rượu, bia làm cho nặng lên. Bên cạnh đó, người thân cần thuyết phục người nghiện rượu chấp nhận đi cai nghiện tại các cơ sở y tế chứ không nên tự cai có thể dẫn đến loạn thần do rượu, sảng rượu gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng với đó, cần có chính sách hợp lý trong việc sản xuất, kinh doanh và mua bán rượu, bia để giảm thiểu tối đa những tác hại của rượu đến đời sống.