Tích cực phòng chống các bệnh cũ tái xuất

09:56, 24/04/2017

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số trường hợp trẻ mắc ho gà, viêm não Nhật  Bản. Điều đáng nói là, những loại bệnh này đã được xóa sổ cách đây hơn 10 năm và nay mới xuất hiện trở lại. Do vậy, các biện pháp phòng, chống bệnh cũ tái xuất đang được ngành Y tế tích cực triển khai.

Theo Bác sĩ Hoàng Anh, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh): Cả bệnh ho gà và viêm não Nhật bản đều không xuất hiện ở Thái Nguyên trong khoảng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, đến năm 2016, tỉnh đã ghi nhận 4 trường hợp trẻ mắc ho gà và 4 ca Viêm não Nhật Bản. Các ca bệnh xuất hiện rải rác ở các địa phương trong tỉnh, phần lớn các trường hợp mắc bệnh không được tiêm phòng đầy đủ.

 

Đối với bệnh ho gà, các trường hợp trẻ mắc bệnh xuất hiện ở các huyện Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Lương và T.P Thái Nguyên. Trẻ mắc ho gà thường trong độ tuổi từ 2-5 tuổi. Cá biệt có trường hợp của bệnh nhân Đỗ Thị Quỳnh Hương ở xóm Đồng Hút, xã Tức Tranh (Phú Lương) mắc ho gà khi mới 2 tháng tuổi. Nguyên nhân được lý giải là do có khả năng mẹ của bé khi nhỏ cũng chưa được tiêm phòng nên khi mang thai không có kháng thể để truyền cho con. Vì vậy, trẻ ra đời đã không có kháng thể, khi gặp phải khuẩn ho gà lập tức mắc bệnh. Cả 6 ca mắc ho gà tại Thái Nguyên trong 2 năm 2016 và 2017 chỉ được phát hiện khi Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện Nhi Trung ương. Có trường hợp trẻ đã điều trị tại bệnh viện địa phương hàng tuần nhưng các bác sĩ không phát hiện ra bệnh ho gà.

 

Theo các chuyên gia y tế, ho gà khác với ho nhiễm khuẩn hô hấp thông thường. Vi khuẩn ho gà khiến trẻ ho từng cơn không thể kiềm chế, ho liên tục, thậm chí có thể ngừng thở, tử vong trong cơn ho. Những cơn ho mạnh có thể gây biến chứng như viêm phổi, tràn khí màng phổi. Khi ho trẻ thường bị chảy nước mắt nước mũi, thậm chí xuất tiết mắt và con ho dữ dội, kéo dài. Có những trẻ mắc căn bệnh này ho kéo dài đến hàng tháng. Đặc biệt, ho gà là bệnh dễ lây lan qua đường hô hấp nên nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng là khá lớn.

 

Trên thực tế, trẻ từ 2 tháng tuổi sẽ được tiêm vắc xin 5 trong 1 (phòng 5 bệnh: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib) và tiêm nhắc lại mũi hai khi 3 tháng và mũi ba khi 4 tháng. Tuy nhiên, nhiều bà mẹ chủ quan chỉ tiêm một mũi và bỏ qua không tiêm chủng vắc xin chưa đủ để tạo kháng thể dẫn đến nguy cơ trẻ có thể mắc ho gà.

 

Đối với bệnh viêm não Nhật Bản, tỷ lệ tiêm vắc xin hàng năm của tỉnh đạt từ 90-95%. Tuy nhiên, do gần với các ổ dịch lớn như Hà Nội, Sơn La… nên nguy cơ mắc bệnh do tiếp xúc với nguồn lây ở trẻ vẫn lớn. Hơn nữa, viêm não Nhật Bản lây truyền do muỗi, nên vào mùa hè, mùa mưa, bệnh có nguy cơ xuất hiện, gia tăng và bùng phát thành dịch. Bộ Y tế khuyến cáo: Nếu không được chữa trị sớm, viêm não Nhật Bản có thể có biến chứng rất nặng như viêm phổi, viêm phế quản hoặc viêm phế quản - phổi do bội nhiễm vi khuẩn. Ngoài ra có thể gặp một số có di chứng muộn sau một năm hoặc lâu hơn như động kinh, Parkinson. Bệnh viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong từ 20-80%), thường gặp ở những bệnh nhân nặng như có co giật, hôn mê sâu, nằm lâu ngày, suy kiệt, viêm phổi nặng. Còn đối với bệnh bạch hầu, tuy cả nước đã xuất hiện một số trường hợp mắc bệnh nhưng đối với Thái Nguyên, nguy cơ xuất hiện bệnh được đánh giá là thấp. Tuy vậy, các biện pháp phòng, chống bệnh vẫn được triển khai và thực hiện đầy đủ.

 

Theo đánh giá của Bộ Y tế, việc một số bệnh cũ như ho gà, bạch hầu, viêm não Nhật Bản xuất hiện trở lại tại một số địa phương trong cả nước là hậu quả của việc nhiều người bỏ không tiêm vắc xin Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng do lo ngại nhưng biến chứng sau tiêm. Trên thực tế, tuy là bệnh lý nguy hiểm nhưng bệnh hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa bằng vắc xin. Để chủ động ngăn chặn bệnh cũ tái xuất, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đang tích cực tuyên truyền về Chương trình tiêm chủng mở rộng, vận động người dân cho trẻ đi tiêm vắc xin đúng lịch, đảm bảo đủ số mũi tiêm. Ngoài ra, Trung tâm cũng chỉ đạo các trạm y tế xã đảm bao đúng quy trình tiêm chủng, an toàn tiêm chủng để củng cố lòng tin của người dân. Cùng với đó, ngành Y tế đã tiến hành củng cố, bổ sung kiến thức cho đội ngũ cán bộ y tế từ cấp xã đến tỉnh để kịp thời phát hiện các ca mắc ho gà, viêm não Nhật Bản và Bạch hầu (nếu có).