Tổ dân phố 14, thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ) có 120 hộ dân với gần 500 khẩu. Trừ một số hộ sống bằng lương hưu, phần đông bà con sống bằng nghề kinh doanh, buôn bán. Đây là địa bàn nằm ở trung tâm thị trấn, liền kề với chợ Chùa Hang, dễ phát sinh các tệ nạn xã hội như nghiện hút, buôn bán ma túy, đề đóm... Bởi vậy, qua nhiều năm phấn đấu, tổ 14 mới đạt được danh hiệu "Tổ dân phố văn hóa".
Ông Nông Hạnh Phúc, Bí thư Chi bộ tổ 14 cho biết: Từ năm 2012, với việc được cấp đất xây dựng Nhà văn hóa (NVH), Chi bộ 14 coi đây là cơ hội cho một giai đoạn phát triển mới của khu dân cư. Bởi thế, mới quyết tâm mở cuộc vận động sâu rộng trong các tầng lớp dân cư, theo tinh thần "đảng viên đi trước, làng nước theo sau", để không những xây được NVH, mà còn hướng tới mục tiêu cao hơn thế. Quá trình xây dựng NVH của tổ, là quá trình khơi dậy tiềm năng vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân, tạo ra hoàn cảnh để quy tụ lòng dân. Nhờ có sự chung sức, chung lòng của bà con, tinh thần gương mẫu, tận tình của đội ngũ cán bộ, đảng viên, chỉ trong một thời gian ngắn, NVH của tổ 14 đã hoàn thành, được đánh giá là một trong những NVH khang trang nhất trên địa bàn. Theo ông Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi tổ 14 thì "cái được lớn hơn là thông qua việc xây dựng NVH, đã tạo ra một lực đẩy quan trọng, đưa phong trào mọi mặt của tổ lên một bước mới".
Mặc dù vậy, cũng phải đến năm 2014, khu dân cư này mới đạt danh hiệu "Tổ dân phố văn hóa". Sau đó liên tục hai năm 2015 và 2016, tổ đều được thị trấn Chùa Hang công nhận đạt danh hiệu "Tổ dân phố Văn hóa". Ngày 25 tháng 3 vừa qua, cán bộ và nhân dân tổ 14 đã tổ chức, Lễ đón Bằng công nhận danh hiệu "Tổ dân phố Văn hóa 3 năm (2014-2016)". Trong không khí tưng bừng và trang trọng của buổi Lễ, qua câu chuyện chia sẻ với bà con, mới nhận ra niềm vui của họ thật sâu sắc.
Điểm lại ba năm qua, tổ 14 đã có nhiều khởi sắc, các hoạt động kinh doanh, dịch vụ phát triển. Các hộ chính sách được quan tâm. Người già được thăm hỏi. Trẻ em được nâng đỡ, chăm sóc. Năm nào trên địa bàn cũng có nhà mới xây, mới sửa. Thu nhập bình quân đầu người từ năm 2014 ước tính đạt 24 triệu đồng, đã tăng lên 30 triệu đồng/người/năm vào năm 2016. Chỉ tính riêng số đầu ô tô của các hộ tăng từ 2-3 chiếc năm 2014 lên 35 chiếc (năm 2016).
Với các vị cao niên thì vui và tự hào hơn cả là mối quan hệ giữa những con người có chung đường phố, chung ngõ phố; dẫu "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", nhưng mỗi gia đình ở đây ví như một như một tổ ấm, trong cái nôi chung là tổ dân phố. Theo thời gian, cùng với các hoạt động tập thể trong khu dân cư, mối quan hệ giữa các thành viên trong tổ ngày càng trở nên gắn bó, thân thiện hơn. Bà con sớm, tối, vui, buồn, hoạn nạn có nhau. Một nhà có việc, cả tổ chung lo. Những năm gần đây, ngày càng có nhiều nhóm gia đình, tổ chức bữa cơm đoàn kết, nhân ngày Tết cổ truyền, ngày lễ và các ngày kỷ niệm trong năm. Tất cả nhưng hoạt động ấy, đã góp phần gìn giữ hồn cốt truyền thống, trong tình làng nghĩa xóm; tạo nên một cuộc sống bình yên.
Cũng theo bà con, để có được những sinh hoạt văn hóa đó, trước hết phải kể đến công sức của tất cả thành viên, trong mỗi gia đình, mà đứng đầu là những người chủ hộ. Sau phải kể đến công sức lãnh đạo của tập thể Chi bộ; các ông, bà Tổ trưởng, Tổ Phó tổ dân phố, Ban Công tác Mặt trận... Bà con ghi nhận công sức của họ - những người "vác tù và hàng tổng", bởi chính họ vừa là người kiến tạo, vừa là những người chèo lái, vừa đóng vai trò nòng cốt trong mọi hoạt động của khu dân cư, để mọi người có được niềm vui và tự hào như hôm nay.
Phấn đấu để có được Bằng công nhận Tổ văn hóa ba năm liên tục đã là chuyện khó, nhưng để giữ vững và không ngừng phát huy danh hiệu ấy, còn khó khăn hơn nhiều. Bởi thực tế cho thấy: Một gia đình có thể từ nghèo trở nên giàu có, chỉ trong vòng ba, bốn năm, thậm chí ngắn hơn nếu gặp may. Nhưng muốn được xóm làng tôn vinh là một gia đình "tử tế", cũng phải ít nhất có từ 3-4 thế hệ. Một gia đình văn hóa phải có các thành viên văn hóa. Một khu dân cư văn hóa phải có nhiều gia đình văn hóa. Vì thế phải có thời gian liên tục phấn đấu không mệt mỏi, ngay từ trong mỗi gia đình đến cộng đồng khu dân cư; theo tinh thần gắn kết, vị tha. Bởi vậy, việc được nhận tấm Bằng công nhận Tổ dân phố đạt văn hóa ba năm liền, mới chỉ là sự thành công bước đầu. Nhìn từ phía sau của vinh dự này, vẫn còn có những vấn đề mà bà con còn phải phấn đấu để hoàn thiện..