Tự sản xuất thực phẩm sạch cho bếp ăn mầm non-mô hình cần nhân rộng

09:42, 22/04/2017

Dành hơn 1.000m2 đất giữa trung tâm thành phố làm vườn rau, chuồng nuôi lợn thịt theo quy trình sản xuất an toàn thực phẩm (ATTP), đó là cách tự kiểm soát an toàn mỗi bữa ăn cho trẻ của Trường Mầm non Quốc tế Hoa Trạng Nguyên (phường Phan Đình Phùng, T.P Thái Nguyên).

Trường Mầm non Quốc tế Hoa Trạng Nguyên được tổ chức theo hình thức dân lập, thành lập năm 2014, với quy mô trên 300 trẻ. Với tiêu chí nâng cao chất lượng và điều kiện chăm sóc trẻ hướng đến cập chuẩn quốc tế và đảm bảo đủ điều kiện đón trẻ không chỉ trong tỉnh mà cả nhóm trẻ - con của các chuyên gia, người lao động nước ngoài làm việc, sinh sống tại Thái Nguyên, ngay từ khi thành lập, Trường đã phấn đấu để đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

 

Để đảm bảo giữ chuẩn và từng bước nâng chuẩn, Trường đã chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng vệ sinh ATTP và coi đó là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong mục tiêu phát triển. Mặc dù quỹ đất có hạn, nhưng Trường đã chủ động dành gần 500m2 đất trong khuôn viên thực hiện trồng rau xanh và hệ thống chuồng chăn thả lợn. Bên cạnh đó, Trường đã chủ động thuê đất trong khu dân cư tại phường Phan Đình Phùng trên 800m2 làm nhà lưới sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn ATTP. Với diện tích trên 1.000m2, Nhà trường đã tự chủ động được trên 60% lượng rau xanh cho môi bữa ăn trong cả năm học và trên 2 tấn thịt lợn sạch/năm.

 

Cô giáo Nguyễn Thị Lịch, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Trước khi triển khai việc tự sản xuất rau an toàn, Ban Giám hiệu, Hội đồng Quản trị đã tuyển dụng đội ngũ cô nuôi, đầu bếp phải đủ các yêu cầu về giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo quy định. Đặc biệt, là mới cơ quan Y tế trực tiếp kiểm tra điều kiện sức khỏe đối với đội ngũ cô nuôi, đầu bếp tại Trường. Sau đó, Ban Giám hiệu mời các chuyên gia về cây trồng, dinh dưỡng và cơ quan quản lý ATTP đến tập huấn về quy trình sản xuất rau, thịt an toàn, rồi mới cho sản xuất tại vườn. Bên cạnh đó, Trường ký hợp đồng với các nhà cung ứng tiếp phẩm đủ điều kiện hành nghề và ký hợp đồng với các vùng rau, trang trại, gia trại đủ điều kiện kinh doanh cung ứng thực phẩm an toàn để bổ sung cho lượng thực phẩm chưa tự sản xuất đủ”. Được biết, với quy trình sản xuất, chế biến một chiều (thu hoạch, kiểm định chất lượng, sơ chế, lưu mẫu và kiểm tra trước khi đưa thức ăn chín đến bữa ăn theo dây chuyền một chiều), giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho từng khâu và có ký cam kết trách nhiệm trước khi giao nhận đã nâng cao trách nhiệm cho từng cá nhân trong khâu bảo đảm dinh dưỡng và ATTP.

 

Mỗi khâu sản xuất, chế biến đều có các quy định chặt chẽ. Đối với đội ngũ tiếp phẩm, Nhà trường yêu cầu phải kiểm tra sức khỏe định kỳ 2 lần/năm. Khi giao thực phẩm chỉ được bàn giao ngoài khu vực chế biến và bắt buộc phải sử dụng quần, áo, ủng, găng tay khẩu trang bảo hộ của Nhà trường mới được vào khu vực giao nhận hàng. Để đảm bảo tính khách quan, bên cạnh việc sử dụng hệ thống camera giám sát, hàng ngày Ban đại diện Hội phụ huynh đã phối hợp với UBND phường Phan Đình Phùng phân công lịch giám sát ATTP theo các tiêu chuẩn công bố công khai tại nhà bếp. 

 

Cô nuôi Ninh Thị Tuyết Hoa cho biết: “Với trẻ em, việc đề kháng các nhiễm khuẩn không tốt như người lớn, vì vậy bên canh việc lựa chọn thực phẩm an toàn thì khâu vệ sinh, phòng dịch, diệt khuẩn luôn được nhà Trường chú trọng. Môi trường, trang bị điều kiện làm việc của đầu bếp, cô nuôi cũng phải bảo đảm sạch sẽ, hạn chế các nhiễm khuẩn, nhất là nhiễm khuẩn chéo từ môi trường bên ngoài”. Cùng với việc trang bị các dụng cụ bảo hộ làm việc chuyên dụng, Nhà trường còn bố trí một bác sĩ đa khoa trực tiếp trực tại Trường hàng ngày để hỗ trợ và phòng ngừa hiệu quả các vấn đề mất ATTP cũng như giám sát, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em và nhân viên làm việc tại trường. Cô giáo Nguyễn Thị Lịch cho biết thêm, trong năm 2018, Nhà trường sẽ tiếp tục mở rộng vườn rau xanh và chuồng chăn nuôi gà, lợn bảo đảm tự cung cấp 70-80% lượng thực phẩm an toàn cho trẻ trong năm.