Mới chớm vào mùa nắng nóng, các quán hàng bán đồ uống giải khát với đa dạng các mặt hàng như: nước mía, chè, trà đá, nước dừa... đã nở rộ trên các tuyến phố. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, đây đều là những quán không đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Vào giờ tan tầm đến chiều tối, tại cổng các trường đại học, ký túc xá, bệnh viện, khu vui chơi giải trí trên địa bàn T.P Thái Nguyên, các quán giải khát mọc lên như nấm. Đặc biệt, tại khu vực Quảng trường Võ Nguyên Giáp, trong những ngày nắng nóng, lượng khách đến đây vui chơi, tập thể dục thể thao tăng đột biến. Nhiều quán nước chè, nước mía “di động” luôn tấp nập người mua. Chỉ cần một máy ép mía, vài chiếc cốc nhựa, mấy hộp đựng nước hoa quả ngâm, 2-3 cái bàn, ghế nhựa là thành quán giải khát để du khách dừng chân thưởng thức. Chị Nguyễn Thị Huyền, một chủ quán nước tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp, cho hay: Từ ngày Quảng trường đi vào hoạt động, tối nào cũng có khách đến đây chơi rất đông. Trung bình mỗi tối quán tôi bán được 50 cốc nước mía, thu về 500 nghìn đồng. Để đảm bảo sạch sẽ, tôi đã đầu tư máy ép nước mía siêu sạch. Cây mía cần ép một lần là ra hết nước, không cần phải quay ép nhiều lần như trước.
Theo quan sát của chúng tôi, loại máy ép này được thiết kế gọn gàng, kín đáo, nhìn bên ngoài không thể trông thấy quy trình ép, dễ lau chùi bên ngoài nhưng khó vệ sinh bên trong. Còn nước chè thường được các chủ quán pha sẵn, để trong chai, hộp nhựa. Khi có khách gọi, chủ quán pha thêm nước lọc và lấy tay bỏ đá vào cốc. Đặc biệt, các quán nước thường sử dụng đá cây chứ không phải đá viên tinh khiết. Các quy trình lấy nước, lọc nước, làm lạnh, bảo quản và vận chuyển đến nơi tiêu thụ đều không được kiểm soát. Do phục vụ lượng khách nhiều lần trong ngày nên đa số các chủ quán đã bỏ qua khâu bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Cốc, thìa được tráng qua loa bằng một chậu nước được dùng cả ngày. Do có mùi thơm ngọt từ bã mía nên xung quanh các quán nước, ruồi, nhặng bay vo ve. Các khúc mía thì đã được róc vỏ sẵn, phơi bên lề đường xe cộ qua lại bụi mù mà không được che đậy.
Mất vệ sinh là vậy nhưng đa số khách hàng vẫn vô tư sử dụng. Anh Nguyễn Văn Thịnh, ở tổ 32, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên), cho biết: Vào các buổi tối, gia đình tôi thường cho con ra Quảng trường hóng gió, tranh thủ uống cốc trà đá cho đỡ khát. Thấy tiện lợi thì tôi mua. Còn bạn Phan Thanh Mến, sinh viên Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên), cho biết: Sau 1 ngày học căng thẳng, chiều tan tầm, bọn em thường rủ nhau ra quán nước trên vỉa hè gần trường để trò chuyện và uống nước mía giải nhiệt. Nhiều hôm em cũng nhìn thấy có cả những váng bẩn trong cốc nước, bọn em trả tiền rồi đi về chứ không dám uống vì sợ sinh bệnh.
Mặc dù là thức uống trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng các loại nước giải khát bán trên vỉa hè, lề đường gần như không được kiểm tra chất lượng. Các quán nước này thường sử dụng nguyên liệu pha chế không rõ nguồn gốc, công đoạn pha chế mất vệ sinh, tiềm ẩn cao khả năng lây truyền các loại vi khuẩn tả, vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa... Ngoài ra, các quán giải khát vỉa hè nằm sát đường giao thông, nơi có các phương tiện qua lại thường xuyên, rất dễ nhiễm bụi bẩn. Theo ông Lý Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm: Các loại nguyên liệu để chế biến đồ uống vỉa hè không được che đậy đều có thể nhiễm các loại vi khuẩn và trứng giun. Ngoài ra, các loại hóa chất tạo màu, tạo mùi dùng pha chế nước giải khát mùa hè là hóa chất dùng trong công nghiệp chứa nhiều tạp chất và kim loại nặng. Nếu cơ thể tích tụ lâu ngày sẽ gây ngộ độc mãn tính và là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh hiểm nghèo cho người sử dụng.
Trước thực trạng trên, thiết nghĩ, các ngành chức năng cần có những biện pháp quyết liệt, đồng bộ để kiểm tra, giám sát vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nhóm hàng thức uống giải khát mùa hè. Cùng với đó, người tiêu dùng cũng nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm đường phố; lựa chọn nước giải khát có nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng để bảo đảm sức khỏe cho bản thân và gia đình trong dịp hè.