Chiến thắng vĩ đại của dân tộc Anh hùng

11:17, 06/05/2017

63 năm đã qua sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954), chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ấy vẫn đang và sẽ mãi mãi trường tồn cùng dân tộc. Thất bại ở Điện Biên Phủ để lại cho quân đội thực dân Pháp bài học đắt giá về sự chủ quan trước một dân tộc đầy ý chí.

Những cung đường đến với Điện Biên hôm nay đã thênh thang, tạc vào núi rừng Tây Bắc hùng vĩ như điểm nhấn khiến cảnh sắc thêm say đắm lòng người. Đó không chỉ là những huyết mạch kết nối giao thương giữa Điện Biên với các vùng miền, mà còn là những tuyến du lịch nổi tiếng, đẹp nhưng hiểm trở bởi núi cao và vực sâu. Hơn 60 năm trước, nhiều đoạn trên những cung đường ấy là các “tọa độ lửa” bị thực dân Pháp tập trung bắn phá nhằm chặn đứng đường tiếp tế của ta cho Chiến dịch Điện Biên. Ngã ba Cò Nòi (Mai Sơn, Sơn La) là một “điểm đỏ” như thế. Tại đây, 100 thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ đảm bảo cho mạch giao thông chảy đều trên tuyến lửa. Sử sách còn ghi, có ngày thực dân Pháp đã trút xuống ngã ba nhỏ bé này tới 70 tấn bom đạn các loại. Giá trị của hòa bình, tự do thật khó có thể đong đếm!

 

Để giữ bí mật tuyệt đối, đảm bảo thắng lợi cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội chủ lực và hàng vạn thanh niên xung phong, dân quân của ta đã phải luồn rừng hành quân, ngày đêm vượt bao khó khăn để vận chuyển khí tài, vật lực đến điểm tập kết. Đồng bào người Mông, người Dao ở vùng cao dùng ngựa thồ đưa lương thực xuống. Đồng bào miền xuôi dùng xe đạp, quanh gánh vượt hàng trăm km tiếp tế cho Chiến dịch. Cả dân tộc cùng hướng lên Điện Biên. Đã có tới 200.000 chiếc xe đạp thồ được huy động, chính phương tiện vận chuyển thô sơ này đã gây nên những bất ngờ lớn cho địch, làm đảo lộn những toan tính và khiến chúng phải nhận kết cục cay đắng ở Điện Biên.

 

Cũng bởi những tính toán sai lầm và chủ quan nên thực dân Pháp đã chọn Điện Biên Phủ để xây dựng trận địa nhằm “thách thức” Việt Minh, hòng tìm một “lối thoát trong danh dự”. Với những ưu thế lớn về tiềm lực, chúng đã dồn sức xây dựng ở lòng chảo Điện Biên một tập đoàn cứ điểm rất mạnh gồm hơn 1 vạn quân tinh nhuệ, 49 cứ điểm được trang bị rất nhiều hỏa lực. Các tướng tá chỉ huy của Pháp thời điểm đó tuyên bố đây là một “pháo đài không thể công phá”, là “bất khả xâm phạm”. Tất cả những diễn biến của chiến cục sau đó đều khiến chúng không thể ngờ.

 

Cùng với hàng vạn dân công và thanh niên xung phong ngày đêm mở đường, vận chuyển nhu yếu phẩm, các lực lượng bộ đội chủ lực đã bí mật hành quân lên Điện Biên tạo thành vòng vây sẵn sàng đợi lệnh tấn công. Hệ thống giao thông hào dài hơn 400km của ta như chiếc thòng lọng khổng lồ ngày càng xiết chặt quân thù. Những khẩu pháo nặng hàng tấn được bộ đội kéo ngược núi lên vị trí chờ thời điểm khai hỏa… Tại Sở chỉ huy Chiến dịch của ta ở Mường Phăng, cách Tập đoàn cứ điểm của Pháp vài km đường chim bay, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những quyết định vô cùng sáng suốt, lên kế hoạch tấn công chi tiết để đảm bảo cho thắng lợi cuối cùng.

 

Để rồi, ba đợt tấn công với tinh thần quyết chiến quyết thắng, khí thế hừng hực của quân ta như bão táp lửa đạn trút xuống đầu giặc. Chúng tuyệt vọng, ngoan cố giữ từng cứ điểm. Tại đồi A1 - trận địa ác liệt nhất và cũng là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, ta và địch giành nhau từng mét đất, cầm cự nhau hàng tháng trời. 20h30 ngày 6-5-1954, khối bộc phá gần 1.000kg của ta được kích nổ đã làm rung chuyển toàn bộ trận địa, mở đường cho quân ta nhanh chóng tiêu diệt cứ điểm và là hiệu lệnh cho đợt tổng công kích cuối cùng. 17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, quân ta bắt sống tướng Đờ Cát và Bộ tham mưu của chúng, toàn bộ quân địch ra hàng. Lá cờ Quyết chiến quyết thắng tung bay trên nóc hầm trú ẩn của viên tướng giặc, ghi dấu thời khắc thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp tại Việt Nam và cũng báo hiệu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ trên toàn thế giới…

 

Lịch sử đã lùi xa nhưng nhiều dấu tích của trận địa năm xưa vẫn còn đó, nhắc nhở muôn thế hệ người Việt về sự khốc liệt của chiến tranh và giá trị của tự do, hòa bình ngày hôm nay. Nhắc đến thắng lợi vĩ đại đó, mỗi chúng ta không được phép lãng quên những đóng góp của hàng vạn người con đất Việt, những Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống tại mảnh đất Điện Biên, công lao của vị tướng huyền thoại - Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.