Tự trồng rau, đặt hàng đơn vị bộ đội tăng gia có nguồn thực phẩm “sạch” thu gom hàng ngày và hợp đồng với nhà cung cấp tiếp phẩm đạt tiêu chuẩn bán lại cho bếp ăn Nhà trường. Cách làm này đã giúp Trường Mầm non Hóa Trung (Đồng Hỷ) chủ động kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP), tạo niềm tin với gia đình, xã hội.
Xác định bảo đảm ATTP là một trong những nội dung quan trọng trong nhiệm vụ chăm sóc và giáo dục trẻ em, hàng năm Trường mầm non Hóa Trung đã xây dựng các quy định chặt chẽ nhằm chủ động kiểm soát chất lượng thực phẩm trước khi đưa vào bếp ăn. Cô giáo Đào Thị Nguyệt, Phó Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: “Đặc thù là trường ở vùng nông thôn, nên vấn đề nâng cao nhận thức cho phụ huynh về chăm sóc trẻ đúng, đủ dinh dưỡng rất khó khăn. Trước đây (từ năm 2012 về trước), không ít trường hợp đến bữa trưa, phụ huynh đến đón trẻ về nhà ăn cơm, với lý do mới thịt lợn, hoặc ông bà cho trứng gà ta…Nhiều phụ huynh quan niệm: Cứ có thức ăn ngon thì tranh thủ bồi bổ cho trẻ nhỏ, bất kể thời gian nào. Sau nhiều lần phân tích về định suất, khẩu phần ăn đúng dinh dưỡng, các bậc phụ huynh đã hiểu và ủng hộ Nhà trường. Tuy nhiên, khi bàn đến chất lượng bếp ăn tập thể, Trường cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau như: không bảo đảm an toàn; rau, thịt, cá mua đại trà liệu chất lượng có bảo đảm… Trước những băn khoăn đó, Nhà trường đã tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến của địa phương, cơ quan chuyên môn và đại diện Hội Phụ huynh học sinh, rồi đưa ra những thỏa thuận mang tính nguyên tắc: Ưu tiên đặt hàng các gia đình tại địa phương có sản phẩm thực phẩm an toàn, chất lượng, hàng tuần đăng ký với Trường để lên thực đơn, số lượng và thời gian nhập hàng. Bên cạnh đó, Trường tổ chức phong trào “Mỗi cô giáo một sản phẩm rau sạch tự tăng gia tại Trường”. Sau đó, Nhà trường mới đặt hàng các nhà thầu chuyên cung ứng thực phẩm cho bếp ăn mầm non đủ tiêu chuẩn theo quy định. Hàng ngày, bên cạnh việc tổ chức giao nhận thực phẩm “tay ba” (nhà tiếp phẩm, nhà trường, cô nuôi), Trường còn mời Ban đại diện Hội Phụ huynh học sinh cùng tham gia giám sát, bảo đảm khách quan.
Anh Hoàng Văn Tiến, Trưởng Ban đại diện Hội Phụ huynh học sinh cho biết: “Sau khi có chủ trương ưu tiên nhập thực phẩm tại chỗ, nhà nào có trứng gà, vịt, rau xanh là đăng ký để bán cho bếp ăn của Trường. Hầu hết là các gia đình đang có con gửi tại Trường, việc cung ứng thực phẩm cho bếp ăn chính là chung tay chăm sóc con, cháu mình, nên càng nâng cao trách nhiệm xã hội trong việc chăm sóc trẻ”. Được biết, Hội Phụ huynh còn chủ động kết nối với đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn xã đã “đặt hàng” với bộ đội tăng gia sản xuất rau an toàn, chăn nuôi gà, lợn sạch hàng tháng cung ứng cho bếp ăn của Trường. Chính vì vậy, khâu kiểm soát chất lượng thực phẩm được thực hiện bằng niềm tin, trách nhiệm trong cộng đồng.
Cô Hoàng Thị Vân Anh, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Mặc dù khuôn viên chỉ trên 2.400m2, nhưng Trường vẫn bố trí được trên 200m2 vườn rau xanh, gần một trăm thùng xốp treo gieo hạt trồng rau, nên lượng rau tự tục được khoảng 7 ngày/tháng quay vòng liên tục trong năm. Việc tự tăng gia không chỉ tự cung, tự cấp mà còn góp phần tuyên truyền, phổ biến thêm những kiến thức về ATTP cho học sinh và phụ huynh. Với lưu lượng trên 230 suất ăn cho trẻ mỗi ngày, Trường đã nhập thực phẩm tại chỗ được trên 30%, số còn lại, do thực đơn mỗi ngày khác nhau, nên địa phương chưa sản xuất được, Nhà trường đặt mua của các nhà cung ứng theo hồ sơ đấu thầu hàng năm, có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chuyên môn và Ban đại diện Hội Phụ huynh học sinh. Với trường hợp học sinh sức khỏe yếu, hoặc suy dinh dưỡng, Trường có chế độ theo dõi và chăm sóc riêng, đồng thời tư vấn gia đình bổ sung các chất dinh dưỡng phù hợp sau khi đón trẻ về nhà.
Với phương châm chủ động ngăn chặn nguy cơ mất ATTP, huy động sự chung tay tham gia chăm sóc sức khỏe cho trẻ em trong cộng đồng dân cư, đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của một trường chuẩn quốc gia.