Chữ thập đỏ - Vì mọi người, Ở mọi nơi

15:19, 08/05/2017

Năm 1863, Uỷ ban Chữ thập đỏ quốc tế (tiền thân là Ủy ban Quốc tế Cứu trợ những người người bị thương), viết tắt là ICRC chính thức được thành lập. Một năm sau, năm 1864, Công ước đầu tiên được các quốc gia thành viên thông qua có tên gọi “Công ước Geneva”. Tiếp đó, năm 1919, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế ra đời. Ðến nay đã có 190 Hội Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia trên thế giới là thành viên của Phong trào, thực thi các hoạt động nhân đạo khắp các châu lục, thực sự trở thành xu thế phát triển tiến bộ trên toàn cầu.

Năm 1948, Lễ kỷ niệm Ngày Chữ thập đỏ quốc tế đầu tiên được chính thức tổ chức. Năm 1984, Ngày Chữ thập đỏ quốc tế 8 tháng 5 được đổi tên thành Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Ðây là dịp để những người làm công tác nhân đạo trên thế giới tự hào ôn lại truyền thống lịch sử lâu đời của Phong trào Chữ thập đỏ, tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò, tổ chức các hoạt động nhân đạo trợ giúp những người dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng thông qua mạng lưới cán bộ, tình nguyện viên đông đảo khắp toàn cầu.

 

Tổ chức Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ có mặt khắp mọi nơi trên thế giới. Ở đâu có thảm họa, thiên tai, chiến tranh… ở đó tổ chức Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ đều có mặt kịp thời trợ giúp vật chất và tinh thần cho những người yếu thế. Những tác động, nỗ lực, hiệu quả mà Phong trào đem lại không nằm ngoài mục tiêu cao cả “Vì mọi người”. Và hoạt động Chữ thập đỏ hướng tới cải thiện cuộc sống của họ. Trên hành trình “Vì mọi người” đó, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đảm nhận vai trò là nòng cốt, cầu nối, điều phối … để những tấm lòng hảo tâm đến với những người cần sự trợ giúp.

 

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam - 1 trong 190 Hội quốc gia thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế: Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế gồm ba thành phần: Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Hội Chữ thập đỏ và Hội Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia. Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế là tổ chức nhân đạo có mạng lưới rộng nhất trên thế giới với khoảng 100 triệu cán bộ, tình nguyện viên ở 190 quốc gia, hoạt động chuyên nghiệp giúp đỡ hàng triệu nạn nhân trong các cuộc xung đột vũ trang, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh mỗi năm.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là tổ chức xã hội nhân đạo của quần chúng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ngày 23/11/1946 và là Chủ tịch danh dự đầu tiên. Ngày 05/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam đã gửi Công hàm đến Tổng thống Liên bang Thụy Sỹ, tuyên bố gia nhập 4 Công ước Giơ-ne-vơ 12/8/1949. Ngày 04/11/1957, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.

 

Trải qua hơn 70 năm hoạt động và trưởng thành, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là thành viên có uy tín và có những đóng góp tích cực đối với Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, phối hợp triển khai có hiệu quả các chương trình thuộc nhiều lĩnh vực như: chăm sóc sức khỏe, cứu trợ xã hội, phòng ngừa và ứng phó thảm họa… Chỉ riêng năm 2016, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục triển khai 35 khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài với tổng ngân sách đạt gần 117 tỷ đồng, trong đó có hơn 77 tỷ đồng từ các đối tác thuộc Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng Lưỡi liềm đỏ quốc tế tài trợ, chiếm 66%.

 

Các hoạt động nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam luôn hướng về cộng đồng, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các Phong trào lớn của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đang triển khai thực sự mang lại những hiệu quả thiết thực cho người dân nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc như: Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, Dự án “Ngân hàng bò ", Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam", Chiến dịch “Khám, chữa bệnh nhân đạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng”, Hiến máu nhân đạo… 

 

Tại Thái Nguyên, những năm gần đây, các cấp Hội đã làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kịp thời, hiệu quả các chủ trương, chinh sách của Đảng, Nhà nước về công tác nhân đạo, an sinh xã hội và phong trào Chữ thập đỏ tại địa phương. Các phong trào, các cuộc vận động, các mô hình Chữ thập đỏ do Hội phát động, tổ chức, triển khai luôn gắn với các mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thu hút đông đảo các cấp, ngành, đơn vị, các tầng lớp nhân dân tham gia. Hệ thống tổ chức Hội được kiện toàn củng cố và đội ngũ cán bộ Hội các cấp  ngày càng năng động và chuyên nghiệp hơn. Công tác tập hợp, thu hút phát triển hội viên, tình nguyện viên được quan tâm phát triển cả về số lượng và chất lượng ở các cấp Hội.

 

Tính riêng giai đoạn 2011-2016, đã có trên 350 nghìn lượt người được trợ gúp, cứu trợ trị giá trên 131 tỷ đồng, tăng 53 tỷ đồng so với thời kỳ trước, công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ tỉnh nhiệm kỳ qua đã khẳng định vai trò của Hội trong xã hội. Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thái Nguyên vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều danh hiệu thi đua của Nhà nước, của các bộ, ban ngành Trung ương và của tỉnh trao tặng. Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã đóng góp một phần xứng đáng vào sự phát triển chung của tỉnh và phong trào Chữ thập đỏ Việt Nam. Phát huy tinh thần nhân đạo, từ thiện và truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để luôn là nhịp cầu nhân ái, điểm tựa tinh thần trong cộng đồng xã hội.