Để thuốc nội “lên ngôi”

15:45, 23/05/2017

Sau 5 năm triển khai, Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” trên địa bàn tỉnh đã đạt kết quả bước đầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để thuốc nội thực sự chiếm ưu thế trên thị trường và được người dân ưa chuộng vẫn còn một khoảng cách khá xa.

Là bệnh viện tuyến tỉnh với hàng trăm lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh mỗi ngày, số lượng thuốc sử dụng ở Bệnh viện A Thái Nguyên là rất cao. Tuy nhiên, năm 2015, Bệnh viện mới chỉ sử dụng thuốc nội đạt khoảng 35%. Thầy thuốc Ưu tú, Bác sĩ Chuyên khoa II Đỗ Minh Thịnh, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Là bệnh viện tuyến tỉnh nên những ca bệnh chúng tôi tiếp nhận điều trị thường đã ở trong tình trạng tương đối nặng. Nhiều loại thuốc để điều trị bệnh nặng, Việt Nam chưa sản xuất được nên phải dùng thuốc ngoại. Những năm gần đây thuốc nội được sản xuất ngày càng nhiều với chất lượng tốt hơn, được cả cán bộ y tế và người bệnh đánh giá cao qua quá trình điều trị. Năm 2016, tỷ lệ sử dụng thuốc nội trong Bệnh viện đã tăng lên đến gần 50%.

 

Cùng với Bệnh viện A Thái Nguyên, các cơ sở khám, chữa bệnh khác trên toàn tỉnh cũng đã tích cực hưởng ứng Đề án, đưa thuốc nội vào điều trị cho bệnh nhân. Tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các đơn vị y tế trực thuộc Sở Y tế đã tăng từ 49,1% (năm 2013) lên 52,6% (năm 2016).

 

Trong các bệnh viện là vậy, còn, ở các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tâm lý “sính” thuốc ngoại vẫn còn rất phổ biến. Lấy đơn thuốc của cậu con trai 34 tháng tuổi cho chúng tôi xem, chị Nguyễn Minh Hà ở tổ 10, phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên) cho biết: Trong 14 đơn thuốc chỉ có 3 loại thuốc nội. Tôi thường cho cháu đến khám tại các phòng khám tư, chỉ khi nào bệnh nặng mới đưa con đến bệnh viện để điều trị. Mỗi lần khám, các bác sĩ đều kê hàng loạt các loại thuốc từ kháng sinh đến vitamin, thuốc bổ, hầu hết đều là thuốc ngoại. Tuy biết giá thuốc ngoại đắt hơn nhưng nghĩ bác sĩ kê thuốc tốt và cháu sau đó cũng khỏi bệnh nên tôi không có ý kiến.

 

Không chỉ các bác sĩ, nhiều người dân cũng chuộng thuốc ngoại hơn thuốc nội. Tại một quầy thuốc tư nhân trên đường Bến Oánh (T.P Thái Nguyên), người bán hàng đang giải thích cho khách hàng về sự giống và khác nhau giữa loại thuốc chữa viêm khớp của Việt Nam và Úc. Chị Nguyễn Mai Hiền, chủ quầy thuốc than thở: Nhiều khách hàng đọc thông tin trên mạng Internet rồi nhất định đòi mua thuốc của Úc, Mỹ, Pháp. Dù chúng tôi có tư vấn nhiều loại thuốc của Việt Nam có cùng công dụng nhưng giá thành chỉ bằng 1/3 nhưng họ vẫn kiên quyết mua thuốc ngoại.

 

Lợi dụng tâm lý sính ngoại của người dân, nhiều quầy thuốc tư nhân thường tư vấn cho họ dùng thuốc ngoại trong khi nhiều loại thuốc do các công ty trong nước sản xuất có cùng tác dụng với giá rẻ hơn lại bị bỏ qua.

 

Để Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” thực sự hiệu quả, thời gian tới, ngành Y tế tỉnh đã lên kế hoạch tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa đến toàn bộ cán bộ y tế về việc “thuốc điều trị theo bệnh, không phải chỉ thuốc ngoại mới tốt”. Đồng thời, tích cực tuyên truyền đến các hệ thống kinh doanh, bán buôn, bán lẻ, sản xuất thuốc các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân và toàn thể người dân hưởng ứng thực hiện Đề án. Sở Y tế cũng sẽ tăng cường giám sát hoạt động bán thuốc theo đơn và quản lý giá tại các quầy thuốc tư nhân.

 

Ông Nguyễn Vy Hồng, Giám đốc Sở Y tế khẳng định: Ngành Y tế đã chỉ đạo đẩy mạnh việc sử dụng thuốc nội trong điều trị cho người dân nhưng không chủ trương tạo thành phong trào thi đua hay tiêu chí đánh giá. Vì trên thực tế, điều quan trọng nhất khi người bác sĩ kê đơn là phải biết nguồn gốc thuốc ở đâu, đơn vị sản xuất đó đạt được tiêu chuẩn gì. Nếu thuốc nội đạt đầy đủ tiêu chuẩn của GMP - WHO (thực hành tốt sản xuất thuốc) thì thuốc Việt cũng giống thuốc ngoại. Khi kê đơn, bác sĩ phải đảm bảo kê đúng bệnh, đúng thuốc, đúng liều lượng và cân nhắc đến điều kiện kinh tế của người bệnh. Thêm vào đó, muốn bác sĩ kê đơn thuốc nội thì chính nhà sản xuất, kinh doanh phải chứng minh thuốc của mình tương đương tác dụng dược lý so với thuốc cùng loại nhập khẩu.