Diện mạo mới của Định Biên

08:28, 18/05/2017

Trong không khí sôi nổi, hào hứng các hoạt động Kỷ niệm 70 năm Ngày Bác hồ và Trung ương Đảng về ATK Định Hoá (20/5/1947 - 20/5/2017) của tỉnh Thái Nguyên nói chung, huyện Định Hoá nói riêng, tôi tìm về Định Biên, một trong những vùng đất ghi lại nhiều dấu ấn lịch sử. Phát huy truyền thống cách mạng, trong sự nghiệp đổi mới Định Biên đã và đang nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.

Về Định Biên hôm nay, đường giao thông đã được bê tông hoá phẳng lỳ đến từng thôn bản. Cánh đồng lúa bao thai đang trổ bông xanh ngát, những ngôi trường, trạm y tế, nhà văn hoá đã được kiên cố hoá. Mảnh đất này, tháng 5-1945, Việt Nam giải phóng quân được thành lập trên cơ sở hợp nhất Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân tại đình Làng Quặng, xã Định Biên, trở thành lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh giành chính quyền cách mạng ở khắp vùng Thái Nguyên, Tuyên Quang, góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Là nơi đóng chân và hoạt động của các cơ quan, đơn vị  trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1947-1954) như: Tổng cục Chính trị (Thâm Tắng), Bộ Tổng tham mưu (Đồng Đau) Cục Quân y (Đồng Rằm)… Thời kỳ đó, nhân dân Định Biên đã đoàn kết một lòng, đùm bọc, che chở các đơn vị đóng quân. Với những công lao ấy, năm 2000 xã Định Biên được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ kháng chiến chống Pháp và là 1 trong 18 xã ATK của huyện Định Hoá. Phát huy truyền thống cách mạng, trong sự nghiệp đổi mới Định Biên đã và đang nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.

 

Bà Hoàng Thị Quyên, Chủ tịch UBND xã Định Biên cho biết: Xã có 672 hộ, 2.700 nhân khẩu, sinh sống tại 13 xóm, chủ yếu là dân tộc Tày. Vốn là xã miền núi còn nhiều khó khăn song thời gian qua xã đã cố gắng huy động mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Xã đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền từ cán bộ đến các tầng lớp nhân dân. Và xác định xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông nông thôn là khâu then chốt, cần thực hiện đầu tiên. Để làm được điều này, xã đã tích cực vận động sự tham gia, đóng góp của nhân dân trong việc hiến đất, tài sản, ngày công lao động; huy động tối đa mọi nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án trên địa bàn. Từ năm 2011 đến nay, xã huy động hơn 12 tỷ đồng từ các nguồn vốn để thực hiện những tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nhân dân đóng góp hơn 1,5 tỷ đồng, hiến hơn 18 nghìn m2 đất, gần 2.000 ngày công lao động.

 

Nhờ vậy, kết cấu hạ tầng, diện mạo nông thôn đã từng bước thay đổi. Từ xã không có km đường bê tông nào thì đến nay xã có hơn 11,3/11,8km đường bê tông; 17/22 km mương đã được xây dựng kiên cố, đáp ứng được nhu cầu sản xuất cho bà con; 100% các xóm đã có nhà văn hoá thôn (3 nhà đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới). Ngoài ra các công trình thiết yếu như trường học, trạm y tế cũng được xã quan tâm đầu tư xây mới khang trang, phục vụ tốt nhu cầu của người dân.

 

Cơ sở hạ tầng hoàn thiện, tạo thuận lợi cho người dân trong việc phát triển sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi giống cây trồng vật nuôi. Với hơn 300 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, ngoài thâm canh tăng vụ, với các giống lúa như Bao thai, nếp cái hoa vàng, bà con tích cực đưa giống lúa lai vào gieo trồng, năng suất tăng từ 45 tạ/ha (năm 2010) lên 52 tạ/ha (năm 2016). Ngoài ra 10 ha chè, 27 ha rừng và chăn nuôi cũng được người dân chú trọng phát triển.

 

Nhiều hộ dân phát triển kinh tế với các mô hình cho thu nhập cao như: mô hình nuôi thỏ trắng kết hợp lợn thịt của ông Ma Khánh Dũng xóm Đồng Đau, thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm; Một số doanh nghiệp xây dựng, xưởng cơ khí, chế biến gỗ đang phát triển mạnh như: doanh nghiệp tư nhân xây dựng Triệu Trường của ông Triệu Văn Binh, xóm Đồng Rằm và Công ty TNHH Nghĩa Mầu, xóm Gốc Thông, thu nhập mỗi năm khoảng 500 - 700 triệu đồng.

 

Hưởng ứng các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM” phong trào thi đua “Định Hóa chung tay xây dựng NTM”. Những năm qua, xã đã đạt được những thành công nhất định.

 

Tỷ lệ hộ nghèo giảm, không còn hộ đói, 2/3 trường đạt chuẩn quốc gia; 100 % người dân trong xã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Toàn xã gần 90% hộ đạt gia đình văn hoá, 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia. Có điều kiện kinh tế, các gia đình đầu tư cho con em học hành. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp hàng năm đạt  100%. Từ năm 2009 đến nay xã Định Biên luôn là xã trắng về tệ nạn ma túy, không có trường hợp sinh con thứ 3 trở. Thu nhập bình quân tăng từ 11 triệu đồng lên 16 triệu đồng/người/năm, năm 2016. Hiện nay xã đã đạt 12 tiêu chí nông thôn mới là: quy hoạch, thuỷ lợi, điện, trường học, chợ nông thôn, Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, giáo dục, văn hoá, hệ thống chính trị, an ninh trật tự xã hội. Từ nay đến cuối năm 2017 xã Định Biên phấn đầu đạt 2 tiêu chí là nhà ở dân cư và hình thức tổ chức sản xuất.

 

Ông Ma Khánh Huân, Bí thư Đảng uỷ xã Định Biên thông tin thêm: Đời sống người dân từng bước cải thiện, khiến phong trào văn hoá, thể dục thể thao thêm sôi nổi. Câu lạc bộ Văn nghệ quần chúng, thành lập được 27 năm, với 100 hội viên đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với người dân nơi đây. Xã có tổ đọc báo Đảng thường kỳ, duy trì sinh hoạt qua hệ thống loa đài của 13 xóm, bản. Với chủ chương xã hội hoá phong trào thể dục, thể thao, hàng năm xã đều tổ chức giải bóng đá, hầu hết các xóm đều có một đội bóng đá.

 

Dù nỗ lực song đến nay, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã vẫn chiếm khoảng 50%. Mong muốn của xã là có nhiều chính sách đầu tư khoa học kỹ thuật, mô hình liên kết sản xuất bền vững, làm sao để bà con thoát nghèo ngay chính đồng đất quê hương, bà Hoàng Thị Quyên trăn trở.