Những năm gần đây, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn ở cơ sở được hòa giải thành công, góp phần giữ gìn và thắt chặt tình làng nghĩa xóm và sự bình yên trong mỗi mái ấm gia đình.
Đến xóm Cao Phong, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ), chúng tôi được bà con nơi đây kể về những mâu thuẫn, xích mích có thể dẫn đến bố con, anh em, bà con xóm giềng không thèm nhìn mặt nhau nếu như không có sự vào cuộc của Tổ hòa giải. Điển hình như vụ nước thải từ cơ sở sản xuất mỳ gạo của gia đình anh Bàn Sinh Vượng chảy qua ngõ vào nhà em trai ruột là Bàn Sinh Tình. Tình trạng này không những khiến việc đi lại của các thành viên trong gia đình anh Tình gặp khó khăn mà còn gây ra mùi hôi thối rất khó chịu. Dưới góc độ tình cảm gia đình, anh Tình đã nhiều lần đề nghị anh Vượng khắc phục tình trạng này, song anh Vượng vẫn phớt lờ. Cực chẳng đã, gia đình anh Tinh đã đề nghị Tổ hòa giải của xóm vào cuộc. Sau khi tìm hiểu bản chất sự việc, Tổ hòa giải đã đứng ra làm "trọng tài" cho 2 bên gia đình. Kết quả, gia đình anh Vượng nhận ra cái sai khi để nước thải chảy tràn trên mặt đường. Anh đã khắc phục bằng cách chôn đường ống cống thoát nước dưới đất...
Ông Đặng Đăng Quý, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận kiêm Tổ trưởng Tổ hòa giải xóm Cao Phong chia sẻ: Kinh nghiệm của chúng tôi trong hòa giải là không nể nang, ngại va chạm và phải thật công tâm trong việc giải thích, phân tích cái sai - cái đúng của các bên. Ngoài ra, tùy vào từng trường hợp cụ thể, chúng tôi còn thể thể mời những người lớn tuổi, những người có uy tín trong dòng họ các hộ gia đình hoặc người có uy tín trong xóm tham dự buổi hòa giải.
Rời xóm Cao Phong, đến một số thôn, xóm, tổ dân phố khác trên địa bàn huyện Đồng Hỷ, chúng tôi cũng nhận được những phản hồi tích cực của nhân dân về hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở. Bà Phạm Thị Mai, ở Tổ dân phố 11, thị trấn Trại Cau cho biết: Vào cuối năm 2015, gia đình tôi đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn. Vì còn khó khăn về nguồn vốn nên gia đình chưa xây dựng đường ống dẫn nước thải, nước thải được thải ra môi trường qua rãnh thoát nước bằng đất, không có nắp đậy gây mùi hôi thối cho 2 hộ dân xung quanh. Điều này đã khiến 2 hộ dân xung quanh rất bức xúc. 2 hộ dân này đã yêu cầu Tổ hòa giải của Tổ vào cuộc giải quyết. Gia đình chúng tôi cảm thấy những phân tích, lập luận đúng sai về sự việc của Tổ hòa giải rất thuyết phục. Chúng tôi đã nhận ra cái sai của mình và tự nguyện khắc phục bằng cách xây đường ống cống thoát nước thải dưới đất. Tổ hòa giải còn thuyết phục đựợc 2 hộ dân xung quanh chung tay cùng gia đình tôi xây dựng đường ống thoát nước thải. Sự giúp đỡ này có ý nghĩa rất lớn với gia đình tôi trong những lúc khó khăn. Đến nay, mối quan hệ giữa gia đình tôi với 2 hộ dân xung quanh lại càng thêm gắn bó.
Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn huyện Đồng Hỷ có 257 tổ hòa giải ở cơ sở với 1.580 hòa giải viên. Mỗi tổ hòa giải thường có từ 5 đến 7 người. Tổ trưởng tổ hòa giải thường là đồng chí Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng xóm (tổ trưởng) các thôn, xóm, tổ dân phố. Từ năm 2016 đến nay, các tổ hòa giải trên địa bàn huyện đã tiếp nhận khoảng 200 vụ, hòa giải thành công trên 180 vụ. Các vụ chủ yếu liên quan đến hôn nhân gia đình, đất đai, ô nhiễm môi trường.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở, những năm qua, các cấp, các ngành ở huyện Đồng Hỷ rất chú trọng đến việc kiện toàn các tổ hòa giải. Cùng với đó, hằng năm, Phòng Tư pháp đều với hợp với UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho tổ trưởng, tổ phó tổ hòa giải, cấp phát các tài liệu liên quan đến các luật, thông tư, biểu mẫu... cho các tổ hòa giải. Đánh giá về hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở ở xã, ông Bàn Sinh Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến cho biết: Từ nhiều năm nay, công tác hòa giải ở cơ sở luôn được cấp ủy, chính quyền xã đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 ra đời (có hiệu lực từ 1-1-2014), công tác hòa giải trên địa bàn dần đi vào nền nếp. Từ năm 2016 đến nay, các tổ hòa giải trên địa bàn đã tiếp nhận hòa giải 38 vụ, trong đó hòa giải thành công 26 vụ, chuyển lên xã giải quyết 8 vụ, còn lại đang tiếp tục hòa giải. Thông qua hòa giải, nhiều vụ việc mâu thuẫn giữa hàng xóm láng giềng, giữa những người thân trong gia đình, dòng họ được dàn xếp, can thiệp kịp thời, giải tỏa được những bức xúc, giữ được tình làng, nghĩa xóm và sự bình yên trong mỗi mái ấm gia đình.
Theo ông Đinh Quốc Việt, Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Đồng Hỷ: Kết quả đáng mừng và quan trọng nhất trong công tác hòa giải là nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn kéo dài, phức tạp đã được hòa giải êm thấm. Qua đó, góp phần làm giảm áp lực cho các cơ quan luật pháp tuyến trên, hạn chế khiếu kiện, phòng ngừa kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật. Cùng với đó, hòa giải ở cơ sở cũng là dịp để phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.