Không sôi động nhưng ổn định

11:03, 20/05/2017

Dù không sôi động nhưng thị trường xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh đi vào trạng thái ổn định với lượng người đi xuất khẩu lao động đạt chỉ tiêu đề ra. Trong khi thị trường Hàn Quốc dù hấp dẫn nhưng cơ hội được cấp phép rất thấp, một số thị trường lao động khác như: Đài Loan, Ả rập, Nhật Bản lại được các nhà tuyển dụng đánh giá phù hợp với người lao động...

Từ năm 2016, thị trường xuất khẩu lao động cả nước trở nên sôi động khi Hàn Quốc chính thức tiếp nhận trở lại đối với lao động Việt Nam. Hàng chục nghìn lao động cả nước đã đăng ký đi lao động tại thị trường này tuy nhiên chỉ có trên 3 nghìn lao động đủ điều kiện được chính phủ Hàn Quốc cấp phép lao động tại quốc gia này trong năm 2016. Sức hấp dẫn ở thị trường này là do đây vốn là thị trường có mức thu nhập cao, dao động trong khoảng từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng/người/tháng.

 

Trao đổi với chúng tôi, chị Hoàng Thị Như Hoa, 27 tuổi ở xóm Luông, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) - một lao động từng làm việc tại Hàn Quốc chia sẻ, việc làm tại Hàn Quốc dù áp lực cao nhưng bù lại thu nhập cũng tương xứng. Chị cho biết: Khi làm việc tại Hàn Quốc, tôi là công nhân trong một dây chuyền sản xuất nấm thực phẩm với mức thu nhập trung bình trên 30 triệu đồng/tháng. Cao điểm có tháng tôi thu nhập tới trên 40 triệu đồng. Giờ đã về nước nhưng nếu có cơ hội, tôi sẽ trở lại làm việc tại thị trường này. Tương tự chị Hoa, anh Nguyễn Văn Quý, 34 tuổi ở tiểu khu Thái An, thị trấn Đu đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc từ năm 2004 đến năm 2010. Công việc của anh Quý là làm công nhân trong một công ty sản xuất phụ tùng ô tô với mức thu nhập trên 30 triệu đồng/tháng. Anh cho biết: Không chỉ thu nhập cao, môi trường làm việc tại các doanh nghiệp Hàn Quốc đều rất tốt và phù hợp với lao động Việt Nam. Chính vì vậy mà dù áp lực làm việc cao nhưng tôi với anh em lao động Việt Nam đều chăm chỉ làm việc và có mức thu nhập thỏa đáng.

 

Mặc dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ nhưng hiện tại có hàng chục cơ sở dạy tiếng Hàn Quốc đang hoạt động với công suất cao để đáp ứng nhu cầu học tiếng Hàn Quốc của người lao động. Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đến thời điểm hiện tại đã có trên 400 hồ sơ đăng ký đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc năm 2017. Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Văn Huyên, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), việc đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc vào thời điểm này khá khó khăn do nhu cầu người lao động tăng cao trong khi chỉ tiêu lao động người Việt Nam phía Hàn Quốc cần trong năm 2017 khá thấp. Theo nhận định của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, chỉ có khoảng 10 đến 15% số lao động đăng ký có cơ hội đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc trong năm 2017.

 

Mặc dù thời điểm hiện tại khá khó khăn đối với người lao động muốn đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc nhưng với một số thị trường khác như Đài Loan, Nhật Bản, Ả rập… lại là lựa chọn tốt cho người lao động. Với thị trường Nhật Bản, hiện người lao động có thể tiếp cận với một số chương trình đi xuất khẩu lao động, thực tập kết hợp lao động với mức chi phí thấp trong khi có cơ hội thu nhập từ trên 20 triệu đồng/người/tháng. Riêng với thị trường Đài Loan hiện đang có nhu cầu cao với các nghề cơ khí, xây dựng, hộ lý, giúp việc gia đình… Với thị trường này, ông Nguyễn Văn Huyên cho biết: Đây là một trong những thị trường phù hợp với người lao động Thái Nguyên. Người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động Đài Loan chỉ cần có trình độ tốt nghiệp THCS với tuổi đời từ 18 đến 40 tuổi đã có thể tìm kiếm cơ hội việc làm với mức thu nhập từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng/người/tháng với mức chi phí ban đầu khoảng trên 90 triệu đồng. Mặc dù, chi phí sinh hoạt cao hơn ở Việt Nam nhưng người lao động Việt Nam tại đây hoàn toàn có thể tiết kiệm từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng để mang về khi hết hợp đồng lao động. Ngoài ra, một số công nhân còn được ưu đãi của người sử dụng lao động qua các khoản hỗ trợ về nhà ở, sinh hoạt khiến cho Đài Loan trở thành một trong những thị trường tốt cho người lao động Việt Nam lựa chọn.

 

Không được nhiều người lựa chọn như thị trường Đài Loan nhưng thị trường xuất khẩu lao động đi Ả Rập cũng có nhiều khởi sắc. Theo ông Trương Sỹ Bình, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Vĩnh Cát (Hà Nội), chính sách của Ả Rập rất thu hút đối với lao động Việt Nam. Chính vì vậy, người lao động Việt Nam không những được đi xuất khẩu lao động miễn phí mà còn có cơ hội nhận được khoản hỗ trợ lên tới 20 triệu đồng/người đối với lao động nghề giúp việc gia đình. Sau 4 năm hoạt động, chúng tôi đã đưa trên 1 nghìn lao động đi xuất khẩu lao động ở thị trường này. Nói thêm về thị trường này, ông Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, mặc dù được đánh giá là rủi ro nhưng theo các số liệu thống kê, tỷ lệ rủi ro phải chuyển nghề, chuyển hợp đồng lao động chỉ vào khoảng 1% đối với nghề giúp việc gia đình tại Ả Rập. Bên cạnh đó, với yêu cầu về lứa tuổi lao động có thể lên tới 40 tuổi, đây sẽ là thuận lợi và là sự lựa chọn của người lao động là nữ công nhân khi quá tuổi lao động tại khu công nghiệp.

 

Năm 2016, toàn tỉnh có trên 1,7 nghìn người đi xuất khẩu lao động đạt trên 170% so với kế hoạch đề ra. Riêng những tháng đầu năm 2017, dù chưa có thống kê nhưng theo số liệu sơ bộ của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã có khoảng 400 người đi xuất khẩu lao động trong những tháng đầu năm 2017. Dù không cao, nhưng đây là con số ổn định tương tự với những năm gần đây và nó thể hiện sự nỗ lực của ngành chuyên môn và cấp ủy, chính quyền các huyện, thành, thị trong toàn tỉnh.