Bệnh lao là bệnh nhiễm trùng cơ hội thường gặp nhất và cũng là nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở người nhiễm HIV.
Người nhiễm HIV có nguy cơ mắc lao cao gấp 19 lần so với người bình thường, đồng thời họ có nguy cơ mắc lao kháng thuốc và siêu kháng thuốc cao. Năm 2015, trên thế giới có khoảng 390.000 ca nhiễm HIV/AIDS tử vong do lao, chiếm 25% số ca tử vong của bệnh nhân AIDS. Ở nước ta, số người bệnh đồng nhiễm lao/HIV mới mắc là 5.500 người.
Ở nước ta hiện có nhiều cơ sở y tế tuyến huyện đang cung cấp dịch vụ về lao và HIV riêng biệt. Bệnh nhân lao đến khám và điều trị sẽ được giới thiệu đến sơ sở cung cấp dịch vụ HIV để được tư vấn xét nghiệm HIV. Nếu người bệnh dương tính với HIV thì được điều trị, chăm sóc ở cơ sở HIV và ngược lại, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS nghi mắc lao sẽ được giới thiệu sang cơ sở lao để được chẩn đoán, điều trị. Việc giới thiệu, chuyển gửi khiến người bệnh phải đi lại nhiều, kèm theo sự mặc cảm và mệt mỏi dễ dẫn đến tình trạng người bệnh không được chẩn đoán, điều trị kịp thời, làm bệnh nặng thêm, giảm hiệu quả điều trị.
Trước thực trạng trên, nhằm tăng cường công tác quản lý và cung cấp dịch vụ toàn diện, thuận lợi cho bệnh nhân đồng mắc lao và HIV ở những địa bàn có tình hình dịch HIV và lao cao, Bộ Y tế đã cho ra đời mô hình lồng ghép quản lý, cung cấp dịch vụ HIV, lao tại tuyến huyện và tuyến xã. Mô hình lồng ghép này góp phần làm giảm lây nhiễm vi khuẩn lao và HIV; giảm tỷ lệ mắc và chết do lao, do HIV và các bệnh liên quan đến HIV; cải thiện chất lượng chăm sóc sức khoẻ của y tế cơ sở; tăng cường quản lý đồng nhiễm lao/HIV theo tiêu chí lấy người bệnh là trung tâm.
Mô hình này đã được xây dựng và thí điểm tại 2 huyện đầu tiên (Nho Quan - Ninh Bình và Hưng Hà - Thái Bình) vào năm 2013-2015 và mở rộng thí điểm tại 12 tỉnh tiếp theo vào năm 2015-2016.
Theo đánh giá của Bệnh viện Phổi Trung ương, sau 2 năm triển khai, mô hình bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan. Theo đó, việc phát hiện chủ động bệnh lao cho người nhiễm HIV được cải thiện rõ rệt, góp phần tăng tỷ lệ người bệnh lao được xét nghiệm HIV; tăng tỷ lệ người bệnh đồng nhiễm lao/HIV được điều trị cả 2 bệnh; rút ngắn số lần bệnh nhân phải đến viện để xác định bệnh (trước khi thực hiện mô hình, bệnh nhân phải đi lại ít nhất 3 lần, sau khi lồng ghép chỉ cần một lần người bệnh đã được chẩn đoán). Đặc biệt, tình trạng mất dấu người bệnh không còn, bác sỹ nắm rõ quá trình điều trị cả lao và ARV của người nhiễm HIV; bệnh nhân lao đến cơ sở lồng ghép đều được tư vấn và xét nghiệm HIV. Trường hợp dương tính với HIV thì tiếp tục được chăm sóc, điều trị HIV ngay tại cơ sở này.
Ngoài những lợi ích trên đối với bệnh nhân, mô hình này còn giúp giảm nhân sự, giảm chi phí vận hành cơ sở y tế, một cán bộ y tế làm nhiều việc nhưng chất lượng dịch vụ điều trị lao và HIV không thay đổi, tăng chất lượng chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân đồng mắc lao/HIV và kết nối bảo hiểm y tế cho người bệnh.
Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: Năm 2017, mô hình lồng ghép quản lý, cung cấp dịch vụ HIV và lao tại cơ sở y tế tuyến huyện, xã sẽ tiếp tục được triển khai thí điểm tại 18 tỉnh có dịch HIV cao và trung bình. Mô hình do Chương trình chống lao quốc gia thực hiện với sự hỗ trợ của Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS.