Những “điểm đen” khó khắc phục trong hệ thống thoát nước thải

09:55, 25/05/2017

Nước thải sinh hoạt bị tắc, người dân sống chung với ô nhiễm môi trường, mỗi khi mưa to, nước lưu thông không kịp gây ra cảnh ngập úng nhưng công nhân không thể nạo vét bùn đất, thông cống đang diễn ra tại không ít điểm trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Nguyên nhân là do một số hộ dân chiếm dụng mương thoát nước xây dựng công trình.

Theo chân nhóm cán bộ Ban Quản lý dịch vụ công ích đô thị T.P Thái Nguyên đến mục sở thị chúng tôi thấy trên địa bàn tồn tại nhiều điểm “cống chết”. Một trong những “điểm đen” của hệ thống mương thoát nước mà chúng tôi đến thực tế là từ sau số nhà 51 đến số nhà 75 đường Minh Cầu (tổ 3, phường Phan Đình Phùng). Phía sau những ngôi nhà cao tầng, là một đoạn mương nước đen ngòm ngấp nghé miệng cống, bốc mùi hôi thối. Hai bên cống là hàng chục ống dẫn nước thải của các hộ dân chĩa xuống cùng rác rưởi xung quanh, có nhà còn xây cả bức tường chắn ngang trên mặt cống, khiến người khác không thể quan sát, tiếp cận. Cách đó không xa, số nhà 60 (đường Minh Cầu) là một điểm kinh doanh dịch vụ được đầu tư khang trang, mỹ lệ lại được xây dựng phủ hoàn toàn trên mặt cống.

 

Anh Lê Văn Lễ, công nhân Ban Quản lý dịch vụ công ích đô thị T.P Thái Nguyên ngán ngẩm: Ở đoạn này, nước thải luôn ngập sâu vì dòng chảy không thông. Do mặt cống bị người dân lấn chiếm, xây dựng công trình nên không thể lật nắp để nạo vét bùn đất, khơi thông dòng chảy hoặc tu sửa. Công nhân cũng không thể xuống làm việc vì rất dễ gặp nguy hiểm do ngạt khí hoặc hít phải khí độc.

 

Tương tự, trên địa bàn T.P Thái Nguyên có rất nhiều điểm mương thoát nước bị người dân lấn chiếm, xây dựng công trình. Cụ thể như: Tại số nhà 167 và từ số nhà 3 đến sau số nhà 129, ngõ 153 đường Minh Cầu; cạnh số nhà 255 đường Cách mạng Tháng Tám; cạnh số nhà 95 đường Minh Cầu; sau lô 1, từ phố Phan Bội Châu đến Điện máy Dũng Thành (đường Cách mạng Tháng Tám)…

 

Trên thực tế và theo thông tin sơ bộ từ Ban Quản lý dịch vụ công ích đô thị T.P Thái Nguyên, trong nhiều vị trí cống, mương thoát nước bị lấn chiếm, phường Phan Đình Phùng có số lượng khá lớn. Vậy nhưng, ông Đặng Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND phường Phan Đình Phùng lại khẳng định: Những trường hợp lấn chiếm công trình công cộng, đất Nhà nước hoặc xây dựng công trình trái phép, không phép, UBND phường thường xuyên kiểm tra, xử lý, không để tồn tại. Tuy nhiên, vì cán bộ ít, lượng công việc nhiều nên khó khăn trong việc quản lý, khó phát hiện khi có người “âm thầm” vi phạm, nhất là ở những nơi trong ngõ, vị trí khuất.

 

Theo đại diện Ban Quản lý dịch vụ công ích đô thị thành phố, với một số vị trí “trọng yếu” tắc vì bị lấn chiếm, Ban đã nhiều lần gửi công văn đến UBND thành phố và các phường đề nghị xử lý nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

 

Điều đáng chú ý là quan điểm về việc lấn chiếm công trình công cộng giữa cơ quan quản lý đô thị thành phố và UBND các phường chưa có sự thống nhất. Người nói có vi phạm, người nói không. Ví dụ, tại vị trí mương thoát nước ngõ 41, đường Minh Cầu, cán bộ Ban Quản lý dịch vụ công ích đô thị T.P Thái Nguyên khẳng định có lấn chiếm còn lãnh đạo phường lại cho rằng công trình xây dựng trên đất của gia đình, không lấn chiếm. Trước đây, ngôi nhà có lấn chiếm phần mái che nhưng sau khi phường phát hiện, nhắc nhở, chủ hộ đã tháo dỡ.

 

Như vậy, để quản lý trật tự xây dựng có hiệu quả, các đơn vị, địa phương có liên quan cần nhìn nhận, đánh giá, cùng vào cuộc kiểm tra, thống nhất phương án giải quyết, nghiêm túc xử lý những vi phạm. Mọi hành vi lấn chiếm, xây dựng công trình làm ảnh hưởng đến dòng chảy cần kiên quyết phá bỏ theo quy định, không để tiếp tục kéo dài.