Nước và sức khỏe con người

14:25, 04/05/2017

Nước đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người. Khoảng 70% trọng lượng cơ thể con người là nước, khi bị mất 10-15% nước trong cơ thể, người ta có thể tử vong. Đặc biệt, nước cung cấp cho cơ thể những nguyên tố vi lượng cần thiết như flo, i-ốt; nước hoà tan các chất thải, chất độc trong cơ thể và thải ra ngoài qua tuyến mồ hôi, đường tiểu tiện, đại tiện…

Khi nước bị ô nhiễm vi sinh vật, hóa chất độc hại, chất phóng xạ có thể gây ra nhiều bệnh tật ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.

 

Nước có thể gây bệnh do thừa hoặc thiếu các nguyên tố hóa học có trong nước tự nhiên (như i-ốt, flo) hoặc do nước bị nhiễm bẩn bởi các yếu tố hóa học, chất độc sử dụng trong công nghiệp, nông nghiệp, trong đời sống sinh hoạt hàng ngày (như: kim loại nặng, hóa chất bảo vệ thực vật, các chất phóng xạ).

 

Bệnh liên quan đến yếu tố vi lượng có trong nước như: Bệnh bướu cổ (phát sinh ở những nơi trong đất, nước, thực phẩm thiếu i-ốt); bệnh về răng do thiếu hoặc thừa flo (nếu lượng flo trong nước quá thấp sẽ gây bệnh sâu răng còn nếu cao hơn giới hạn cho phép có thể làm hoen ố men răng và các bệnh về xương khớp); bệnh do nitrit và nitrat cao trong nước (nitrit có thể tác dụng với các axit amin gây bệnh ung thư; nitrat có thể gây bệnh tím tái ở trẻ em do ngăn cản vận chuyển ô xy trong máu).

 

Nguy hiểm hơn là các bệnh liên quan đến kim loại nặng trong nước như: Chì (hàm lượng vượt quá tiêu chuẩn cho phép có thể gây ảnh ưởng đến sức khỏe, biểu hiện như thiếu máu, mệt mỏi hay giảm trí thông minh ở trẻ nhỏ); asen (thạch tín) trong nước nếu vượt quá giới hạn sẽ làm tổn thương ngoài da (sừng hóa da ở lòng bàn tay, bàn chân), trong trường hợp nặng có thể tổn thương hệ tim mạch. Bệnh liên quan đến hóa chất bảo vệ thực vật trong trường hợp nhẹ thì gây mệt mỏi, đau đầu, khó thở; trường hợp nặng có thể gây dị tật thai nhi và mắc các bệnh ung thư.

 

Khi môi trường nước bị ô nhiễm bởi vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng hoặc khi nước trở thành môi trường cho các vật trung gian truyền bệnh phát triển thì có thể gây ra nhiều loại bệnh. Cụ thể như: Bệnh về đường tiêu hóa (tiêu chảy, bệnh tả, kiết lỵ, thương hàn, viêm gan A…); bệnh giun sán (bệnh giun đũa, giun móc, bệnh sán lá gan, sán lá phổi…); bệnh do muỗi truyền (bệnh sốt rét, bệnh sốt xuất huyết, bệnh Zika, bệnh viêm não Nhật bản…).

 

Ngoài ra, khi sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm chất phóng xạ, người sử dụng có thể mắc các bệnh như nhiễm phóng xạ cấp, ung thư, sẩy thai, dị tật bẩm sinh. Đặc biệt khi người dân sử dụng nước bẩn để tắm, giặt có thể mắc các bệnh ngoài da như: hắc lào, nấm, lang ben, ghẻ, chàm; các bệnh về mắt: đau mắt đỏ, đau mắt hột, viêm kết mạc…; bệnh phụ khoa…

 

Để phòng, tránh các bệnh trên, người dân cần sử dụng nước sạch trong ăn uống, sinh hoạt; không làm nhiễm bẩn nguồn nước đặc biệt từ nước thải gia đình, nước thải công nghiệp, phân người, động vật…

 

Người dân luôn duy trì ăn chín, uống sôi, giữ gìn vệ sinh cá nhân; không tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng, loăng quăng phát triển trong nước bằng cách: đậy kín các dụng cụ chứa nước, thường xuyên thau rửa dụng cụ chứa nước ăn, khơi thông cống rãnh, thả cá ăn bọ gậy, loăng quăng trong bể nước…

 

Người dân có thể nhận biết nước sạch thông thường thông qua đánh giá sơ bộ bằng cảm quan (màu sắc, mùi, vị) nhưng để biết chính xác thì cần phải lấy mẫu nước để xét nghiệm.