Từ ngày 1-6, cùng với các tỉnh thành khác trong cả nước, Thái Nguyên sẽ triển khai hệ thống quản lý tiêm chủng quốc gia. Việc này sẽ góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả chương trình tiêm chủng mở rộng, đơn giản hóa công tác quản lý tiêm chủng trên địa bàn.
Phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia là hệ thống bảo đảm quản lý tất cả các đối tượng tiêm chủng là trẻ em, phụ nữ… quản lý theo mã định danh và quản lý suốt đời về tiêm chủng bao gồm cả tiêm chủng dịch vụ và tiêm chủng mở rộng. Với việc phân cấp quản lý, đảm bảo tính bảo mật cho hệ thống, cũng như người tham gia. Khi thực hiện quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia, các cán bộ y tế nắm được tình hình tiêm chủng trên phạm vi cả nước, từng tỉnh, huyện, xã phụ trách nhằm phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và triển khai hoạt động tiêm chủng một cách kịp thời, khoa học, hiệu quả. Theo kế hoạch, hệ thống sẽ được triển khai tại tất cả các đơn vị y tế từ Trung ương, tỉnh, huyện đến xã, những nơi tổ chức công tác tiêm chủng.
Để triển khai hiểu quả việc sử dụng phần mềm quản lý tiêm chủng quốc gia, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai áp dụng phần mềm TC và trình SYT, đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tính đến thời điểm này, Trung tâm đã hoàn thành tập huấn, đào tạo về việc sử dụng phần mềm cho cán bộ y tế tuyến tỉnh và đại diện của các cơ sở y tế tuyến huyện. Nhằm chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất cho việc triển khai, các cơ sở y tế thực hiện công tác tiêm chủng trên địa bàn tỉnh đã tiến hành rà soát lại toàn bộ hệ thống máy tính, khả năng kết nối mạng. Cùng với đó, các nhân viên y tế thực hiện công tác tiêm chủng sẽ phải thực hiện rà soát năng lực triển khai thực hiện phần mềm và quán triệt về vai trò, nhiệm vụ của các cơ sở y tế các tuyến trong áp dụng phần mềm TC.
Với các bước chuẩn bị như vậy, từ ngày 1-6 tới đây, hệ thống tiêm chủng quốc gia sẽ chính thức được đưa vào sử dụng tại các cơ sở y tế thực hiện công tác tiêm chủng trên địa bàn tỉnh. Đây là phầm mềm mới được triển khai trên toàn quốc, ngoài những ý nghĩa trong công tác quản lý, quá trình triển khai chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn như: năng lực sử dụng máy tính của cán bộ, các thông tin nhập đúng vào phần mềm, cấu hình máy tính và đường dẫn truyền của cơ sở. Bác sĩ Đặng Văn Đang, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phương Giao (Võ Nhai) cho hay: Là một trong những địa phương khó khăn nhất của tỉnh, hiện nay, công tác tiêm chủng ở xã vẫn còn tương đối khó khăn. Vì vậy, dù đã được trang bị máy tính với kết nối mạng ổn định và tập huấn đầy đủ, nhưng chúng tôi vẫn khá lo lắng về việc người dân chưa thể quen với phương thức này.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh thông tin: Hiện tại, 181/181 trạm y tế xã đã có máy tính được kết nối mạng ổn định. Việc sử dụng phần mềm tiêm chủng sẽ giúp cho cán bộ y tế quản lý đối tượng, quản lý thông tin tiêm chủng được đầy đủ và chính xác, dễ dàng hơn… góp phần giúp cho công tác tiêm chủng đạt được hiệu quả cao hơn. Trong giai đoạn đầu triển khai, tỉnh vẫn thực hiện song song cả hai hình thức quản lý thông tin tiêm chủng. Ở giai đoạn đầu, phần mềm tiêm chủng sẽ trợ giúp cho cán bộ y tế và các cơ sở y tế để quản lý đối tượng và thông tin tiêm chủng. Còn việc nhắc lịch và mời người dân đi tiêm chủng vẫn được các cán bộ y tế và đội ngũ y tế thôn bản cùng chính quyền, đoàn thể cơ sở đảm nhiệm như trước đây. Dự kiến đến năm 2018, phần mềm tiêm chủng sẽ thay thế hoàn toàn sổ tiêm và giấy báo tiêm chủng.
Để Hệ thống được triển khai hiệu quả, chúng tôi cho rằng bên cạnh những nỗ lực của ngành Y tế, các cơ quan liên quan cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục cộng đồng về tiêm chủng phòng bệnh. Các gia đình có trẻ trong độ tuổi tiêm chủng cũng nên chủ động tìm hiểu lịch tiêm chủng, theo dõi lịch hẹn trong sổ hoặc phiếu tiêm chủng cá nhân để đến tiêm đầy đủ và đúng lịch.