Quên mình cứu bạn

10:09, 08/05/2017

Mặc dù đã gần 1 tuần trôi qua nhưng người dân xã Nhã Lộng, Hà Châu, thầy và trò Trường THPT Điềm Thụy (Phú Bình) vẫn chưa hết bàng hoàng, xót xa khi nhắc đến vụ đuối nước xảy ra ngày 2-5, cướp đi sinh mạng của 3 em học sinh lớp 12A5. Các em đều là những người con ngoan, trò giỏi, được thầy yêu, bạn mến. Trong tiếng nấc nghẹn ngào, mọi người luôn nhắc đến cậu học trò Nguyễn Văn Thao đã dũng cảm lao xuống dòng nước cứu bạn, đến khi đuối sức, vẫn quyết không bỏ bạn.

Những ngày này, không khí lớp học trầm lắng, cô và trò chúng tôi đều chưa thể bình tâm trở lại bởi nỗi mất mát quá lớn. Linh và Hương vốn là cán bộ của lớp, chăm ngoan, học giỏi, còn Thao nhanh nhẹn, sống tình cảm, luôn quan tâm đến mọi người xung quanh. Mới đây, Thao còn chia sẻ với tôi, thi tốt nghiệp xong, em sẽ học nghề để sớm đi làm, có tiền phụ giúp bố mẹ… Vậy mà.” Câu nói bỏ lửng, tiếng thở dài nghẹn ngào của cô Lê Thị Thanh Tỵ, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A5, Trường THPT Điềm Thụy làm chúng tôi cùng lặng người.

 

Theo lời thuật lại của Đạt, Thiết,… (bạn cùng lớp với Thao có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn đuối nước) và lời kể của cô giáo Tỵ: Chiều 2-5, 10 em học sinh lớp 12A5 đến nhà một người bạn ở xóm Soi 1, xã Nhã Lộng chơi và ra khu vực bến Thác Đạo (sông Cầu) gần đó để chụp ảnh. Do sảy chân nên có 6 em bị ngã xuống sông. Thấy các bạn bị nạn, 4 em học sinh nam trong đó có Thao đã hô hoán người dân và vội vã lao xuống cứu bạn. Mọi người đã cứu được 3 học sinh lên bờ, còn 2 em Linh và Hương vẫn chới với giữa dòng nước. Lúc đó có bạn C. và Thao cố cứu Hương và Linh, nhưng do không còn sức lực, C. đành thả nổi mình trên mặt nước, còn Thao vẫn ở lại. Nhưng cuối cùng thì Thao đuối sức và chìm dần cùng 2 bạn nữ. Đến giây phút cuối, Thao vẫn cố ngoi lên và hét “Cứu chúng nó với” rồi chìm dần.

 

Cô Tỵ chia sẻ: Đến giờ các em học sinh vẫn chưa thể bình tĩnh, mỗi lần tâm sự với cô giáo là các em lại òa khóc nức nở. Các em bảo, đến cuối cùng, bạn ấy vẫn nghĩ đến bạn bè mà không hề nghĩ cho bản thân.

 

Những ngày này, ngôi nhà của em Nguyễn Văn Thao ở xóm Sau, xã Hà Châu vẫn có nhiều người đến thăm hỏi, động viên gia đình. Căn nhà cấp 4 đơn sơ chỉ rộng chừng 50m2. Theo chính quyền địa phương, gia đình em Thao là một trong những hộ còn khó khăn của xóm.

 

Bên di ảnh của con trai, chị Tạ Thị Núi và anh Nguyễn Văn Dần, phụ huynh của em Thao nghẹn ngào, giọng lạc đi vì thương khóc: Chúng tôi có 2 người con, Thao là em. Thương bố mẹ, nên cháu rất ngoan, thường xuyên giúp tôi công việc nhà, đồng áng. Trước hôm gặp nạn vài ngày, 2 mẹ con cùng ốm, tôi mua thuốc về giục cháu uống, cháu kêu uống thuốc không thấy đỡ, sợ gầy, vì cháu cao gần mét 6 nhưng chỉ nặng hơn 40kg. Cháu vẫn thủ thỉ động viên tôi, mẹ vất vả nên con mới có tiền đi học, hè này con sẽ cố đi làm thêm để bù lại giúp mẹ. Năm ngoái, nó tranh thủ vài ngày được nghỉ học ôn, đi phụ xây được 130 nghìn đồng/ngày công, gom được 1,5 triệu, đưa hết cho tôi.

 

Anh Dần, bố của em Thao giọng buồn rầu: Mặc dù là con trai nhưng cháu rất chăm chỉ. Tôi bận đi phụ xây, anh trai Thao cũng đi làm thuê, nên nhà chỉ có Thao và mẹ lo việc đồng áng. Lúc cháu gặp nạn, bà con họ hàng gọi điện thoại chúng tôi mới tất tả về, chuyện không lành cũng đã xảy ra. Qua vụ việc này, tôi mong đó sẽ là bài học quý giá cho các cháu nhỏ khác, không được chơi gần sông, suối, ao, hồ; các cháu nên học bơi, trau dồi kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn để không chỉ cứu người mà còn giữ được tính mạng của bản thân trong trường hợp nguy cấp.

 

Thời gian qua, chúng ta đã được nghe rất nhiều câu chuyện xúc động về những tấm gương quên mình cứu người gặp nạn như Nguyễn Văn Nam (Nghệ An), Trần Văn Nguyên (Quảng Ngãi), Trần Thị Thu Hà (Thanh Hóa)… Nguyễn Văn Thao, cậu học trò nghèo của Thái Nguyên đã tiếp nối những hành động cao đẹp đó và để lại cho chúng ta những bài học trân quý về tình người.