Những năm gần đây, các vụ xâm hại tình dục trẻ em liên tục xảy ra gây xôn xao dư luận, khiến nhiều bậc phụ huynh lo ngại. Theo báo cáo tổng hợp của Công an tỉnh, từ năm 2013 đến hết quý I năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 119 vụ xâm hại trẻ em.
Với mục tiêu từng bước ngăn chặn, đảy lùi tình trạng trẻ em bị xâm hại, trong những năm gần đây, Công an tỉnh đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh tổ chức các đợt tuyên truyền có nội dung về phòng, chống xâm hại trẻ em. Thông qua đó giúp các bậc phụ huynh, đặc biệt là trẻ em vị thành niên nhận thức được phương thức, thủ đoạn của tội phạm để có biện pháp phòng tránh. Trong đấu tranh với loại tội phạm này, Công an tỉnh cũng đã phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp cùng giải quyết dứt điểm các vụ án xâm hại trẻ em, và có bản án trừng trị thích đáng đối tượng xâm hại.
Cùng với Công an tỉnh và các sở, ngành chức năng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, với các hình thức đa dạng, phong phú, như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua hệ thống pano, áp phích, tờ rơi, tờ gấp và mở lớp tập huấn chuyên đề về phòng, chống xâm hại trẻ em. 5 năm gần đây, Sở đã cấp 3.500 cuốn Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; 7.000 cuốn Nghị định số 71-NĐ/CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em; Nghị định số 114 xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ và bảo vệ chăm sóc trẻ em cho cán bộ lao động - Thương binh xã hội cấp xã và các cộng tác viên phụ trách công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở; xây dựng 200 đĩa DVD tuyên truyền gồm các phóng sự chuyên sâu về các vấn đề bảo vệ trẻ em để cấp cho các huyện, thành phố, thị xã và các xã, phường, thị trấn.
Cũng trong những năm này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức 25 hội nghị tuyên truyền về kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng, chống bạo lực học đường cho gần 14.000 lượt học sinh và giáo viên tại 23 trường tiểu học và trung học cơ sở; mở 10 lớp kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho hơn 2.700 lượt học sinh; tổ chức 25 hội nghị nói chuyện chuyên đề về bảo vệ trẻ em, chính sách pháp luật liên quan đến trẻ em cho gần 1.800 đối tượng là trưởng xóm, cộng tác viên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em. Tổ chức 43 lớp tập huấn, tuyên truyền nâng cao kiến thức kỹ năng cho 3.100 lượt người là cán bộ lao động - thương binh và xã hội các cấp và cộng tác viên bảo vệ chăm sóc trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em về các nội dung thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; quy trình can thiệp và trợ giúp trẻ em bị xâm hại, bạo lực, dấu hiệu và tâm lý trẻ em bị xâm hại tình dục; kỹ năng tư vấn, tham vấn đối với trẻ em bị xâm hại tình dục. Đồng thời phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo T.P Thái Nguyên mở các lớp tập huấn về kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em cho 200 các hiệu trưởng, tổng phụ trách đội của các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non. Tiếp nhận, tư vấn cho gần 100 cuộc gọi đến đường dây tư vấn miễn phí về nội dung phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; cán bộ chuyên môn của Sở đã can thiệp, hỗ trợ tư vấn tâm lý 35 trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục, giúp các em ổn định tâm lý, vượt qua khủng hoảng tinh thần để hòa nhập với cộng đồng.
Hầu hết các vụ việc xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh bị phát hiện, đều được cán bộ cơ quan chức năng Nhà nước vào cuộc, điều tra, xác minh, đưa ra kết luận bảo đảm tính pháp lý, không oan sai, đúng người, đúng tội. Các bản án dành cho đối tượng xâm hại trẻ em đủ mạnh để răn đe, góp phần tích cực trong việc ngăn ngừa và phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em.